.
.

Ngành than nỗ lực vượt khó

Thứ Sáu, 23/11/2012|09:00

 

Do khó khăn chung của nền kinh tế, trong 10 tháng năm 2012, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Theo kế hoạch sản xuất kinh doanh được xây dựng từ cuối năm 2011 thì đến thời điểm này các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh đều giảm mạnh, không đạt kế hoạch. Trước tình hình đó, Vinacomin đã triển khai nhiều giải pháp quản lý sản suất kinh doanh linh hoạt, cùng với sự giúp đỡ, biện pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, nhờ vậy, toàn Tập đoàn vẫn cơ bản duy trì được sản xuất, đời sống, thu nhập của người lao động ổn định. Những tháng cuối năm 2012, vẫn còn bộn bề gian khó, nhưng với tinh thần kỷ luật và đồng tâm, sự kiên cường của người thợ mỏ, tập thể công nhân, cán bộ và người lao động ngành than sẽ vượt qua khó khăn để về đích.

Nỗ lực vượt khó ổn định sản xuất

Hết quý III năm 2012, một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chủ yếu của Vinacomin cụ thể như sau: doanh thu ước đạt 60,4 ngàn tỷ đồng, sản xuất 33,2 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ ước đạt 27 triệu tấn than sạch, thu nhập bình quân xấp xỉ 7 triệu đồng/người/tháng.

Có nhiều nguyên nhân khiến ngành than lâm cảnh khó khăn như: ảnh hưởng suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao, lượng than tiêu thụ đạt thấp do các khách hàng lớn trong nước như xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng... đã mua thấp hơn nhiều so với khối lượng hai bên đã ký trước đây. Tính đến hết tháng 9, tồn kho vào khoảng 6,7 triệu tấn than sạch; xuất khẩu giảm mạnh, ước đạt 9,5 triệu tấn, chỉ bằng 76% cùng kỳ năm 2011. Thị trường thế giới không ổn định, dòng thuế xuất khẩu than và sản phẩm từ than cao triệt tiêu tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu…

Trong điều hành sản xuất, Tập đoàn đã có sự điều chỉnh mạnh mẽ để phù hợp với tình hình tiêu thụ, giữ ổn định việc làm cho thợ lò. Sản xuất than đã chủ động bám sát diễn biến thị trường để chuẩn bị nguồn hàng phù hợp để giao cho khách hàng. Một số mỏ lộ thiên đã triển khai giãn sản lượng than khai thác, giảm bóc đất, giảm ngày làm việc, bố trí làm việc luân phiên, giải quyết cho người lao động nghỉ phép, giảm thuê ngoài khâu bóc đất, một số đơn vị đã dừng hẳn thuê ngoài. Tiền lương bình quân toàn Tập đoàn giảm khoảng 12 - 15%  so với năm 2011 trong đó khâu gián tiếp, phụ trợ giảm cao hơn, giữ ổn định tiền lương cho thợ lò. Bên cạnh đó, Vinacomin cũng tích cực, chủ động để báo cáo, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương hỗ trợ, phối hợp với ngành than tháo gỡ khó khăn; ổn định sản xuất của ngành than là góp phần ổn định cuộc sống người thợ mỏ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn.

Biện pháp tháo gỡ kịp thời của Chính phủ về giá than cho điện và thuế xuất khẩu than từ 20% xuống còn 10% đã có ý nghĩa hết sức quan trọng vừa đảm bảo việc làm cho thợ mỏ và tổng nộp ngân sách cũng được tăng lên do sản lượng than tiêu thụ trong những tháng cuối năm 2012 và là tiền đề thực hiện kế hoạch 2013.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, tình hình tiêu thụ sản phẩm của Tập đoàn dự kiến vẫn tiếp tục khó khăn do nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, riêng sản lượng than xuất khẩu dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch năm sau khi được điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu. Theo kế hoạch điều hành năm nay đã điều chỉnh giảm xuống còn 39 triệu tấn than tiêu thụ (giảm 6,5 triệu tấn than so với kế hoạch đầu năm, giảm 15% so với thực hiện năm 2011) thì sản lượng tiêu thụ còn lại của 3 tháng cuối năm là 11,3 triệu tấn, than nguyên khai sản xuất còn lại khoảng 10,8 triệu tấn. Với các chỉ tiêu này, quý IV đòi hỏi từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên của Vinacomin phải tập trung nỗ lực trong điều hành sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2012. Theo đó nhiệm vụ cụ thể là, tiếp tục bám sát diễn biến thị trường để bố trí sản xuất cho phù hợp, đẩy mạnh tiêu thụ để giảm tồn kho, đồng thời bố trí lao động tập trung đào lò, xây dựng mỏ mới, cải tạo nâng công suất các mỏ hiện có để chuẩn bị nguồn than sẽ tăng cao theo kế hoạch 5 năm và theo quy hoạch ngành Than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về xuất khẩu, tăng cường mối quan hệ, đôn đốc khách hàng bố trí tàu đến nhận than theo hợp đồng; đẩy mạnh tiêu thụ những loại than đang tồn kho lớn; kiểm soát chặt chẽ chất lượng than và tiến độ giao hàng. Về tiêu thụ trong nước, bám sát nhu cầu khách hàng để có cơ chế điều hành tiêu thụ phù hợp. Tích cực thu hồi công nợ, theo dõi, đôn đốc khách hàng thanh toán đúng hạn; chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác thanh toán công nợ nội bộ Tập đoàn.

Đặc biệt cần tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn lao động ở các đơn vị; tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc quản lý khai thác, bảo vệ ranh giới mỏ, đảm bảo trật tự, an toàn trong quản lý khai thác, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ than. Cùng với sản xuất kinh doanh, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị cần quan tâm chăm lo thực hiện tốt các chế độ chính sách, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cải thiện đời sống, việc làm và thu nhập cho người lao động. Trong đó, quan tâm điều kiện ăn ở, phương tiện đưa đón công nhân, đảm bảo thu nhập cho công nhân trực tiếp SX, đặc biệt là thợ lò, giãn cách tiền lương hợp lý giữa lao động chính và bộ phận phục vụ, phụ trợ nhằm đảm bảo việc làm để CBCN yên tâm SX, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Cùng với đó, tăng cường sử dụng sản phẩm, dịch vụ trong ngành và do các doanh nghiệp Việt Nam SX, chủ động hoàn thiện quản lý trên cơ sở rà soát các cơ chế, quy chế, định mức kinh tế kỹ thuật, vật tư, lao động, quy mô và cơ cấu tổ chức, cơ chế khoán quản trị chi phí phù hợp để phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu có điều chỉnh phù hợp với tình sản xuất kinh doanh năm 2012.

Cần cơ chế, chính sách phù hợp

Những kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2012 của Vinacomin tuy con số còn khiêm tốn nhưng trong hoàn cảnh thực tế kinh tế ảnh hưởng suy thoái hiện nay, điều đó là một sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và CBCNVC toàn ngành. Theo các chuyên gia kinh tế, thì Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục tháo gỡ những bất cập đang tồn tại để ngành Than phát triển bền vững. Đơn cử, Vinacomin được giao trọng trách là 1 trong 3 trụ cột chính bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng lại đang bị hạn chế trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển ngành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; do giá than trong nước thấp, kéo theo việc Vinacomin phải bù chéo cho các hộ trong nước trong những năm qua mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2006, bù chéo cho than bán vào các hộ điện, xi măng, giấy và phân bón khoảng 1.200 tỷ đồng, thì năm 2011 còn lại hộ điện phải bù chéo khoảng 5.000 tỷ đồng. Việc bù chéo này ảnh hưởng rất lớn tới khả năng cân đối tài chính, huy động vốn đầu tư phát triển của Vinacomin. Đồng thời, làm cho việc sử dụng năng lượng lãng phí, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bị sai lệch, các quan hệ kinh tế- tài chính bị bóp méo, việc đáp ứng nhu cầu than trong nước theo đó sẽ càng hạn chế.

Bên cạnh đó tồn tại nhiều nghịch lý như: trong khi giá than trong nước bị khống chế bán giá thấp, thì ngược lại, các chính sách: thuế, phí ngày càng cao. Ngoài nộp các khoản thuế như các hoạt động kinh doanh khác như thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, ngành Than còn phải nộp thuế tài nguyên tăng từ 1% lên 5% đối với than hầm lò và từ 2% lên 7% đối với than lộ thiên. Thuế xuất khẩu hiện đã giảm từ ngày 11.10.2012 xuống 10% nhưng vẫn còn ở mức cao so với thế giới nhất là trong giai đoạn than tiêu thụ còn khó khăn như hiện nay. Các khoản thuế phí khác vẫn đang tiếp tục tăng như: từ năm 2012 phí bảo vệ môi trường tăng từ 6.000 đồng lên 10.000 đồng/tấn than nguyên khai, bổ sung thuế môi trường 20.000 đồng/tấn, phí nước thải, lệ phí cấp giấy phép thăm dò, khai thác, hoàn trả chi phí điều tra xây dựng cơ bản địa chất và chi phí thăm dò, ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường và dự kiến nộp tiền cấp quyền khai thác... Những chính sách trên không những ảnh hưởng đến cân đối tài chính và quá trình tái sản xuất của ngành than, mà còn gián tiếp tác động làm cho tổn thất tài nguyên tăng lên do phải bỏ lại phần tài nguyên có điều kiện khai thác khó khăn, giá thành cao.

Được biết, trước những bất cập, vướng mắc của ngành than, để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm như: xem xét cấp phép thăm dò bể than đồng bằng sông Hồng, ban hành chính sách sử dụng hợp lý tài nguyên than, nhất là chủng loại và chất lượng phù hợp cho các hộ sử dụng than: điện, xi măng, phân bón; điều chỉnh các mức thuế, phí hợp lý nhằm khuyến khích tận thu tài nguyên; sớm thực hiện giá than cho điện theo cơ chế thị trường, để có nguồn thu đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất các mỏ hiện có và xây dựng các mỏ hầm lò mới, nhằm tăng nhanh sản lượng than sản xuất trong nước; Nhà nước hỗ trợ về cơ chế chính sách, quan hệ ngoại giao tạo điều kiện khi đàm phán với các đối tác nước ngoài trong việc đầu tư vào các mỏ và nhập khẩu than nhằm bảo đảm nguồn  cung được ổn định và lâu dài; xem xét một số chế độ ưu đãi cho công nhân hầm lò như giảm tuổi nghỉ hưu, chế độ nhà ở, để thu hút lao động cho nghề khai thác than, một nghề lao động nặng nhọc, nguy hiểm và nhiều rủi ro.

Theo ĐBND
.
.
.
.