Kim ngạch xuất khẩu của Vinatex đạt trên 31 tỷ USD
Ngày 18/01/2018, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018.
Tham dự Hội nghị, có các đồng chí: Trần Thanh Khê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Cục của Bộ Công thương.
Về phía Vinatex, có các đồng chí: Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐQT; Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc; Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cùng đại diện thành viên HĐQT, Cơ quan điều hành, Ban Kiểm soát, Trưởng, Phó các ban chức năng và Chủ tịch, Tổng Giám đốc các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, năm 2017, tổng cầu dệt may thế giới giảm 0,85% so với năm 2016. Trong đó, nhập khẩu dệt may của Mỹ giảm 0,2%, của EU giảm 0,3%. Cùng với áp lực của Hiệp định TPP bị dừng lại đã làm tình hình xuất khẩu dệt may trong những tháng đầu năm hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao và nỗ lực hết mình, ngành dệt may đã từng bước ổn định, vượt qua thách thức, hoàn thành vượt mục tiêu đề ra trong năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu (KNXK) đạt trên 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với năm 2016. Trong đó, KNXK của Vinatex đạt 3,2 tỷ USD, tăng trưởng trên 10%, vượt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu và là đơn vị duy nhất hoàn thành 100% các nhiệm vụ Chính phủ giao.
Bên cạnh việc giữ vững, đạt mức tăng trưởng tốt ở những thị trường xuất khẩu chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngành Dệt May Việt Nam đã nỗ lực phát triển đa dạng hóa các thị trường và có sự bứt phá tại các thị trường khác như: Trung Quốc, Nga, Campuchia... Ngoài các mặt hàng dệt may truyền thống thì các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như: vải, xơ sợi, vải địa kỹ thuật, phụ liệu dệt may cũng có sự tăng trưởng rất tốt.
Năm 2018 được dự báo GDP toàn cầu tăng trưởng bền vững, ngành Dệt May Việt Nam đặt mục tiêu cao, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 34 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Để đạt được mức tăng trưởng trên, toàn Ngành phải dồn sức để thay đổi công nghệ, bắt nhịp trong đầu tư, làm chủ được các sản phẩm đưa ra thị trường thế giới nhằm tạo ra một nền công nghiệp dệt may phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả. Riêng đối với Vinatex sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về vai trò của người đại diện, thị trường, đầu tư, lao động và quản trị rủi ro.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, năm 2017, ngành Dệt May Việt Nam xuất khẩu được hơn 31 tỷ USD nhưng trong đó có khoảng 64% là của các doanh nghiệp FDI, đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp dệt may trong nước. Bên cạnh đó, vấn đề thoái vốn Nhà nước theo lộ trình của Chính phủ với Vinatex trong năm 2018 cũng gây nên áp lực lớn đối với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn. Chính vì vậy, Đảng ủy Khối DNTW và lãnh đạo Vinatex trong thời gian tới cần có kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương để có lộ trình thoái vốn từng phần đối với Tập đoàn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may thuộc Vinatex vẫn thiếu sự liên kết và cái nhìn bao quát chung toàn Ngành, vì vậy lãnh đạo Vinatex cần xây dựng bài toán quản lý nhân lực, tạo ra mô hình thống nhất trong tất cả các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn để tạo chuỗi liên kết.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Trần Quang Nghị và Tổng Giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường chủ trì Hội nghị |
Hội nghị đã được nghe các bài tham luận về tình hình đầu tư ngành sợi và xu thế phát triển, quan điểm và mô hình đầu tư cho ngành dệt kim và làm vải denim; Báo cáo sự phát triển của công nghiệp 4.0 trong ngành dệt may năm 2017; khuyến nghị với doanh nghiệp về thị trường và năng suất lao động trong ngành may; các bước phát triển trong thương mại điện tử…
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Vinatex Trần Quang Nghị đã đánh giá cao những nỗ lực của Cơ quan điều hành Tập đoàn và lãnh đạo các doanh nghiệp để đạt được tăng trưởng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. 2018 là năm bản lề, quan trọng khi Chính phủ thoái vốn theo lộ trình, đây chính là bước ngoặt để Tập đoàn tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Các doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết và liên kết chặt chẽ với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp chung cho toàn Tập đoàn.
Trong thời gian tới, Cơ quan điều hành Vinatex cần quyết liệt hơn nữa trong việc quy hoạch nhân sự, đánh giá, tăng cường bổ sung cán bộ và đề xuất giải pháp về nhân lực quản trị cấp cao, cấp trung tại các đơn vị thành viên và Tổng Công ty Dệt May miền Bắc, Tổng Công ty Dệt May miền Nam.
Cân đối việc giao kế hoạch sản xuất kinh doanh tại các đơn vị trên cơ sở đánh giá đầy đủ các yếu tố về thị trường, con người, thương hiệu, tiềm năng phát triển, tài sản vô hình… để có đánh giá chính xác nhất về kế hoạch năm 2018. Nghiên cứu mô hình tổ chức thị trường tập trung, làm việc với những khách hàng lớn để liên kết, hợp tác khai thác năng lực sẵn có của các doanh nghiệp. Sử dụng tài chính, lao động thông minh, tự doanh sản phẩm của mình. Đổi mới hình thức chăm lo đời sống cho người lao động và các hoạt động phong trào của công đoàn như: tổ chức thi thợ giỏi, thể thao và ngoại ngữ...
Với hệ thống các trường nghề thuộc Tập đoàn, cần nghiên cứu đến việc xuất khẩu lao động dệt may mang thương hiệu Vinatex. Tất cả các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn cần xây dựng nét văn hóa, truyền thông chung của Vinatex.
P.V