Đầu tư dự án băng tải cấp than cho nhà máy nhiệt điện Mạo Khê: Cách làm mới. đã thấy hiệu quả
Huy động các nguồn lực xã hội là chủ trương của Tập đoàn được triển khai từ lâu với các hình thức thuê tài chính, thuê bốc xúc, vận tải đất đá v.v. và đã mang lại nhiều hiệu quả cao. Riêng việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào Dự án băng tải cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê là cách làm mới. Thậm chí, hình thức đầu tư này chưa nơi nào thực hiện, ngoài Công ty than Mạo Khê đơn vị được Tập đoàn giao làm Chủ đầu tư Dự án trên. Cách làm mới ra sao ? Hiệu quả bước đầu thế nào ? Dưới đây là một số ghi nhận.
Nhà thầu cũng là nhà đầu tư
Chúng tôi tạm gọi như vậy vì đơn vị trúng thầu, đồng thời cũng là nhà đầu tư; sau đây gọi tắt là Nhà thầu- Nhà đầu tư (NT- NĐT).
Dự án nêu trên có nhiều hạng mục công trình phải đấu thầu, trong đó có Gói thầu số 1 được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê, bao gồm khảo sát xây dựng, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, thi công công trình, vận hành, quản lý băng tải v.v. Nói tóm lại là NT- NĐT đầu tư vốn, huy động nhân công, thiết bị v.v xây dựng hoàn chỉnh hệ thống băng tải dài 4,6 km, công suất vận chuyển 2,1 tấn than/năm (500 tấn/ giờ) với 5 băng tải và nhiều hạng mục khác. Khi hoàn thành, NT - NĐT vận chuyển than thuê cho Tập đoàn, thông qua hợp đồng giữa NT - NĐT với Công ty Kho vận Đá Bạc - đơn vị được Tập đoàn ủy quyền. Đơn giá được xác định qua đấu thầu theo đơn giá vận chuyển.
Cách làm này không giống như các hình thức: hợp đồng xây dựng- kinh doanh- chuyển giao (gọi tắt là BOT); hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), cũng không phải là là hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT). Ông Nguyễn Đức Cơ, Giám đốc Công ty than Mạo Khê cho biết, trước cách làm mới chưa có trong tiền lệ, Công ty đã cử cán bộ lên Ban Đầu tư, Ban Pháp chế của Tập đoàn và Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch Đầu tư) để được giúp đỡ tư vấn về nghiệp vụ. Ông Bùi Xuân Hải, Trưởng ban Đầu tư Xây dựng của Công ty than Mạo Khê - người trực tiếp làm việc với các Ban trong Tập đoàn và các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, khẳng định, cách làm mới này hoàn toàn đúng với mọi quy định của pháp luật về đầu tư và đấu thầu. Ông Hải cho biết thêm, ông đã tìm hiểu nhiều nơi nhưng chưa thấy đâu thực hiện đầu tư theo hình thức này.
“Sức khỏe” của Cơ khí Yên Thọ ra sao?
Giá sàn Tập đoàn đưa ra đấu thầu là 20 nghìn/tấn. Trong ba đơn vị tham gia đấu thầu, Công ty CP Cơ khí Yên Thọ là đơn vị trúng thầu, đảm nhận các công việc nêu trên; khi hoàn thành sẽ vận chuyển than cho Tập đoàn với đơn giá 16. 240 đồng/ tấn. Hợp đồng ký tháng 12/2011, trong đó, NT- NĐT (Cơ khí Yên Thọ) cam kết sẽ hoàn thành tuyến băng trong tháng 8/2012 nhưng quyết tâm hoàn thành trước 2 tháng, tức tháng 6 năm nay. Công ty này có trụ sở ngay cạnh Quốc lộ 18, thuộc xã Yên Thọ (Đông Triều, QN). Thường ngày, qua đây, ta vẫn thấy trụ sở Công ty vắng hoe. Sau khi trúng thầu với giá thấp, nhiều người tỏ ý nghi ngờ “sức khỏe” của Công ty. Không biết năng lực tài chính, lực lượng lao động, phương tiện v.v.của đơn vị ra sao mà đảm đương công việc lớn, lại cam kết hoàn thành công trình sớm như vậy? Được biết, doanh nghiệp này được thành lập năm 2003 với ngành nghề chính thiết kế, chế tạo, lắp dựng kết cấu thép phi tiêu chuẩn, nhà kết cấu thép, sản xuất thùng xe tải và các thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp. Năm 2010, tổng tài sản của Công ty có 124 tỷ 423 triệu đồng, nợ phải trả là 32 tỷ 176 triệu đồng, tổng doanh thu gần 60 tỷ đồng. Về lao động, Công ty chỉ có hơn 300 người, trong đó 30 kỹ sư và trình độ tương đương, 250 công nhân kỹ thuật. Phương tiện của Công ty chủ yếu là thiết bị gia công cơ khí, gia công phôi, gia công tấm lợp kim loại. Với năng lực ấy mà Công ty “dám” đảm nhận khối lượng công việc lớn hơn “sức khỏe” của mình, quả là rất đáng…ngờ ( ?). Nhưng “bút đã sa”, công trình đã khởi công; Công ty không còn đường lùi! Nếu chậm tiến độ, công trình không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không cung cấp than kịp thời cho Nhà máy Nhiệt điện thì Công ty “lĩnh đủ”; sẽ bị phạt theo các điều khoản nêu trong hợp đồng.
CNCB Công ty than Mạo Khê đã biết đến Cơ khí Yên Thọ qua việc thi công hai cầu vượt bằng sắt ở Mạo Khê và một số công trình khác. Điều khiến nhiều người kinh ngạc là lực lượng ít nhưng Công ty này thi công rất nhanh, đạt chất lượng cao. Nhiều người còn biết, không ít kỹ sư giỏi, thợ lành nghề đã từ bỏ các đơn vị Nhà nước về đầu quân cho Cơ khí Yên Thọ. Nhưng chắc ít người biết bí ẩn sức mạnh vô hình của Cơ khí Yên Thọ để thu hút “chất xám”, thu hút vốn và các nguồn lực khác.
Tại công trình xây dựng tuyến băng tải, chúng tôi gặp anh Phan Văn Nhiên, vận hành máy múc đất. Tìm hiểu mới biết, anh Nhiên là học sinh một trường học nghề của Bộ Quốc phòng. Từ hôm 1/2/2012 đến nay (21/2), trong 20 ngày, anh Nhiên và một học sinh khác đã đào được 160 m3 đất đá, nhưng chỉ được đài thọ ăn ngủ, chứ chưa được lĩnh đồng tiền công nào! Tại công trình, chúng tôi còn gặp 2 nhóm thợ làm nền móng công trình. Anh Tạ Văn Hải, công nhân cao tuổi nhất trong nhóm cho biết, đa số họ là thợ xây, là nông dân ở huyện Yên Mô (Ninh Bình), làm thuê cho Doanh nghiệp Đinh Công ở Ninh Bình - là nhà thầu phụ của Cơ Khí Yên Thọ. Chúng tôi biết thêm, một số hạng mục khác, các thiết bị phục vụ công trình v.v. chủ yếu NT - NĐT thuê. Có thể còn nhiều mối quan hệ hợp tác khác của Cơ khí Yên Thọ với các đối tác khác, chúng tôi chưa tiện nêu ở đây, nhưng có thể thấy “sức khỏe” và bí quyết của Cơ khí Yên Thọ là mở rộng hợp tác, liên kết để khai thác các tiềm năng, các nguồn lực của nhau.
Hiệu quả đã thấy rõ
Chúng tôi đã có dịp theo dõi tiến độ thi công nhiều tuyến băng tải do các đơn vị của Tập đoàn làm chủ đầu tư, thấy rằng, chưa công trình nào thi công nhanh như ở đây. Ông Bùi Xuân Hải (Cty than Mạo Khê) cho biết, Dự án được Tập đoàn phê duyệt từ tháng 5 năm ngoái, sau 3 tháng đã giải phóng xong mặt bằng. Nỗ lực này thuộc về Công ty than Mạo Khê. Đối với tuyến băng tải, khởi công từ cuối tháng 12 năm ngoái, đến nay (21/2) đã dựng được 400 mét cột, đào 137 hố móng (1,7 km), hoàn chỉnh 104 trụ bê tông (1,3 km). Với đà này, NT - NĐT có khả năng sẽ hoàn thành công trình vào tháng 6 năm nay, như đã cam kết.
Thắng lợi và ý nghĩa lớn nhất của cách làm này là Tập đoàn không phải bỏ vốn mà giải quyết được công đoạn vận tải than cho Nhà máy nhiệt điện. Mặt khác, so với hình thức đầu tư trước đây, cách làm này tiết kiệm chi phí tới khoảng 15 % ; thời gian thi công rút ngắn. Theo nhận định của ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐTV, nếu thời gian hoàn thành như NT - NĐT cam kết thì thời gian thi công rút ngắn khoảng gần 2 năm so với hình thức đầu tư khác.
Cách làm này còn mang lại một hiệu quả trong quản lý sản phẩm (than) trên đường vận tải. Trách nhiệm quản lý, bảo vệ than khi vận chuyển trên băng thuộc về Cơ khí Yên Thọ. Khối lượng sản phẩm đầu vào (Than Mạo Khê) và đầu ra (Nhà máy Nhiệt điện) được giao nhận ký kết, chốt sổ giữa 2 bên. Nếu chênh lệch giữa đầu vào, đầu ra vượt quá số lượng cho phép, đơn vị vận chuyển (Cơ khí Yên Thọ) phải chịu trách nhiệm.
Cần nhân rộng mô hình
Trên đây chúng tôi chỉ đánh giá, nhận định về kết quả bước đầu của cách làm này. Để đánh giá sâu sát hơn, khách quan hơn, cần có thời gian, sau khi dự án đi vào hoạt động và cần tổng kết, rút ra những kinh nghiệm để nhân diện rộng. Hiện Tập đoàn đang giao cho nhiều đơn vị làm chủ đầu tư rất nhiều dự án, thuộc nhiều lĩnh vực. Trong đó, một số dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của chủ đầu tư. Chẳng hạn như hệ thống băng tải đá Cao Sơn (Công ty than Cao Sơn làm chủ đầu tư); hệ thống băng tải Đèo Nai (Công ty than Đèo Nai) v.v. Trong điều kiện ấy, các chủ đầu tư nên tham khảo cách làm ở Mạo Khê để áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế ở đơn vị mình. Được biết, Công ty than Đèo Nai cũng đang kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào dự án băng tải đá bằng hình thức này và bước đầu đã có những tín hiệu vui.