Thợ mỏ xưa và nay
“Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!” Đó chính là khẩu hiệu mà cách đây 76 năm, ngày 12/11/1936, hơn ba vạn công nhân của vùng đất mỏ Quảng Ninh cùng đồng sức, đồng lòng hô vang, đòi quyền lợi cho chính mình. Và chính từ đây, Truyền thống công nhân vùng Mỏ-Truyền thống ngành Than bắt đầu được dệt nên bởi những thành tích vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước. Ngày nay, truyền thống đó vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện qua những thành tích vượt bậc, những thử thách khắc nghiệt trong nền kinh tế thị trường mà công nhân, cán bộ ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã và đang vượt qua
Tài sản vô giá
Từ cuối thế kỷ 19 các mỏ khoáng sản đã ra đời, trong đó có công ty than Bắc kỳ được thành lập năm 1888 là tập đoàn tư sản lớn nhất của thực dân Pháp và cũng từ đây vùng mỏ Quảng Ninh trở thành khu công nghiệp lớn và quan trọng nhất ở Việt Nam và Đông Dương. Đội ngũ công nhân mỏ than cũng từ đây được hình thành và dần dần trở thành lực lượng công nhân công nghiệp trong giai cấp công nhân Việt Nam.
Công nhân mỏ xuất thân từ những người nông dân nghèo khổ ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ bị địa chủ phong kiến và bọn cường hào gian ác áp bức bóc lột phải ra mỏ làm phu kiếm sống. Một số khác là anh em thợ thủ công bị thất nghiệp phiêu bạt ra đất mỏ làm ăn. Người thợ mỏ mang trong lòng nỗi nhục của người dân mất nước phải làm nô lệ và mối căm thù bọn tay sai phong kiến nên ý thức phản kháng luôn luôn sục sôi trong trái tim họ khi có thời cơ và có hạt nhân lãnh đạo, họ sẵn sàng vùng lên đấu tranh. Công việc khai thác mỏ lúc này hoàn toàn là thủ công hết sức nặng nhọc vất vả. Mỗi ngày thợ phải làm từ 10 đến 12 giờ, tiền lương ít ỏi, cuộc sống cơ cực lại thường xuyên bị bọn cai ký đánh đập bớt xén. Điều kiện ăn ở sinh sống rất lầm than. Họ không có con đường nào khác là phải đấu tranh đòi chủ mỏ tăng lương cải thiện điều kiện làm việc.
Vào những năm 20 của thế kỷ hai mươi, công nhân cả nước đã có nhiều hoạt động đấu tranh chống giới chủ, bọn cầm quyền thực dân Pháp và tay sai. Trong ngành mỏ ở các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh công nhân mỏ cũng có nhiều cuộc phản kháng sự áp bức bóc lột của bọn chủ mỏ. Cho đến những năm 30 của thế kỷ 20, sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, tại các vùng mỏ nhiều chi bộ Đảng cộng sản được bí mật thành lập, thu hút những người thợ mỏ giác ngộ, có tinh thần đấu tranh, những người tiên tiến nhất trong đội ngũ công nhân tham gia. Thời kỳ này phong trào vô sản hoá của Đảng đã đưa nhiều đảng viên về vùng mỏ làm công nhân, sống gần gũi với thợ mỏ để tuyên truyền vận động giác ngộ họ, cùng họ tổ chức những cuộc đấu tranh. Trước mắt là cuộc đấu tranh có tính chất kinh tế, đòi quyền lợi và tập dượt để phát triển thành cuộc đấu tranh chính trị chống chế độ thống trị của bọn thực dân Pháp, trong đó cuộc tổng bãi công vang dội của hơn 3 vạn thợ mỏ từ ngày 12/11/1936 đã đánh dấu chặng đường trưởng thành của phong trào đấu tranh của công nhân mỏ.
Cuộc tổng bãi công được mở đầu tại vùng Cẩm Phả. Đây là một trung tâm khai thác lớn của Công ty than Bắc kỳ, nơi tập trung đông công nhân nhất và cũng là nơi diễn ra nhiều mâu thuẫn gay gắt giữa người thợ và bọn chủ mỏ. Cuộc tổng bãi công nổ ra tại đây có tác động mạnh mẽ toàn khu mỏ và lan rộng như một đám cháy lớn. Sau gần 10 ngày đấu tranh quyết liệt, bất chấp mọi thủ đoạn lừa bịp và đàn áp dã man của địch, cuộc bãi công đã thắng lợi vào 3 giờ chiều ngày 20/11/1936. Bọn chủ mỏ và cả bọn thống trị Pháp ra thông báo chấp nhận tất cả mọi yêu sách của cuộc bãi công.
Sau khi công nhân Cẩm Phả kết thúc cuộc bãi công thì ngày 22/11 đến ngày 24/11 tại các mỏ Mông Dương, Hòn Gai, Cửa Ông, Bãi Cháy... Công nhân mỏ cùng lần lượt nghỉ việc để hưởng ứng. Một sự kiện có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc tổng bãi công lần này là mối quan hệ anh em gắn bó giữa những người thợ điện nhà máy điện Cọc 5 và công nhân mỏ vùng Hòn Gai - Cẩm Phả. Bất chấp sự ngăn cản của địch, công nhân nhà máy điện vẫn đòi nghỉ việc để hưởng ứng cuộc bãi công.
Trước ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của công nhân mỏ nên sáng ngày 28/11/1936 công nhân mỏ vùng Hòn Gai, Mông Dương, Cửa Ông đã cùng giành được thắng lợi. Cuộc tổng bãi công đã toàn thắng trên một địa bàn rộng thu hút hơn 3 vạn người tham gia kéo dài gần 17 ngày căng thẳng, quyết liệt thể hiện ý chí sắt đá của những người thợ mỏ than Việt Nam.
Thắng lợi vang dội của cuộc tổng bãi công đã làm rung chuyển hệ thống cai trị của bọn thực dân xâm lược và tay sai, thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân cả nước trong thời kỳ 1936- 1945. Đây là cái mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của đội ngũ công nhân ngành than về ý thức chính trị, trình độ giác ngộ và đấu tranh giai cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương nay là Đảng cộng sản Việt Nam. Sau này, khi giải phóng vùng mỏ, Đặc khu ủy Hồng Quảng quyết định chọn ngày 12-11-1936 là Ngày miền mỏ bất khuất, nay gọi là Ngày truyền thống công nhân mỏ. Năm 1982, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định lấy đây là Ngày truyền thống ngành Than. Khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm” từ năm 1936 đã trở thành tài sản vô giá, theo bước chân thợ mỏ đến ngày hôm nay và mãi mãi về sau.
Những bước phát triển vượt bậc
Giải phóng khu mỏ, những người thợ mỏ bắt tay vào kiết thiết và xây dựng các mỏ. Ngành Than của nước ta cũng trải qua những bước thăng trầm khi mà dân tộc ta vẫn còn đang phải đối mặt với giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau đó là thời kỳ đầu tiên trong công cuộc đổi mới đất nước. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc còn lạc hậu. Vì thế nên công nhân lao động vất vả mà thu nhập vẫn thấp dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn.
Để có một bước đi mới cho ngành Than, trước thực trạng đó, năm 1994, Tổng công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) đã được thành lập. Từ đó tới nay, Tập đoàn không ngừng lớn mạnh nhờ sự đồng tâm, kỷ luật của cán bộ, công nhân ngành Than, kết tinh trong khẩu hiệu truyền thống của ngành. Ngành Than không ngừng đưa ra những dự án mới, cải cách chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp với tình hình kinh tế của cả nước, nâng cao chất lượng quản lý, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để tăng hiệu quả sản xuất, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân. Dưới sự lãnh đạo của đảng, những người thợ lò cũng không ngừng hăng say, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm trong lao động. Nhờ đó mà ngành Than Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu đáng kể. Sản lượng than không ngừng tăng qua các năm. Năm 1997 đạt 11,3 triệu tấn đánh dấu lần đầu tiên Ngành Than Việt Nam vượt mốc 10 triệu tấn là mức sản lượng mà Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra cho năm 2000. Năm 2005 đạt 31,3 triệu tấn, vượt xa mục tiêu sản lượng mà Quy hoạch phát triển Ngành Than đề ra cho năm 2020. Năm 2007 đạt 42,2 triệu tấn, vượt mốc 40 triệu tấn. Và từ đó đến nay sản lượng than đều đạt trên 40 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu thu ngoại tệ, góp phần giảm nhập siêu và tạo nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển mở rộng. Với sự phát triển không ngừng ấy, đời sống của công nhân mỏ đã được cải thiện nhiều. Ngày xưa, họ ra khỏi lò mà chỉ thấy hai con mắt. Còn ngày nay, thợ lò được ngồi trên xe ra lò. Sau khi làm việc xong, họ được tắm nóng lạnh, có người phục vụ giặt giũ quần áo, chuẩn bị cơm nước rất chu đáo. Ngoài ra, các công ty có những mức thưởng cao vào dịp lễ Tết, có những đợt nghỉ dưỡng hằng năm cho tất cả thợ lò.
Hiện nay, ngành Than - Khoáng sản đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế trong và ngoài nước, giá cả các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, lạm phát, lãi suất tín dụng tuy có giảm nhưng vẫn còn cao, khó tiếp cận nguồn vốn. Để khắc phục tình hình, trước mắt, cán bộ và công nhân vẫn tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, tiết kiệm chi phí tối đa, tái cơ cấu cho hợp lý hơn với tình hình hiện tại. Đồng thời, Tập đoàn cũng đang nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền để vượt qua giai đoạn thách thức, duy trì sự vững mạnh của Ngành cũng như ổn định đời sống cho người lao động. Mặc dù còn cần nhiều đổi mới, nhưng Vinacomin vẫn luôn luôn tự hào là một trong ba trụ cột vững chắc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, là một trong những doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho ngân sách nhà nước (Từ năm 1995 đến năm 2010 tăng từ 102 tỷ lên đến 11.088 tỷ đồng). Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng đã được nhà nước tao tặng nhiều giải thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng năm 1996 và Anh hùng Lao động năm 2005; nhiều tập thể, cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác.