.
.

Tái cơ cấu doanh nghiệp theo chiều sâu

Thứ Hai, 02/12/2013|10:43

Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cho đến nay mới chỉ phản ánh những bước đi đầu tiên. Ðể đạt được sự chuyển biến về chất trong cấu trúc của toàn bộ khu vực DNNN cũng như cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, cần tập trung thực hiện các biện pháp, các nỗ lực, nguồn lực hơn nữa. Tái cơ cấu theo chiều sâu mới khiến DNNN thoát khỏi vòng xoáy của việc sắp xếp, đổi mới kiểu cũ như đã từng diễn ra.

Tổng công ty May 10 là một trong các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau khi cổ phần hóa. Ảnh: QUANG MINH
Tổng công ty May 10 là một trong các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả sau khi cổ phần hóa. Ảnh: Quang Minh

Những con số bề nổi

68 tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu. 100 trong số 101 phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2015 đã được Chính phủ phê duyệt và hai tập đoàn trong ngành xây dựng đã dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế... "Kết quả tái cơ cấu DNNN này mới chỉ thể hiện ở những con số bề nổi, mới chỉ tác động và làm hạn chế một số nhân tố tạo nên sự phát triển theo chiều rộng của DNNN như thu hẹp số lượng DN, thu hẹp số lượng ngành nghề kinh doanh...", TS Trần Tiến Cường nhận xét. Theo ông Cường những nhân tố tạo nên chiều sâu phát triển của DNNN hoặc dẫn đến chuyển động về chất của cấu trúc khu vực DNNN chưa thấy rõ. Tái cơ cấu DNNN, chưa dẫn đến những chuyển động về chất trong cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính, cũng như chất lượng lao động, cán bộ quản lý điều hành, năng suất, hiệu quả hoạt động của DN...

Có thể nói, việc phê duyệt các đề án tái cơ cấu DNNN nêu trên mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình tái cơ cấu DNNN. Thế nhưng, theo PGS, TS Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), ngay ở bước đầu tiên này, một số đề án vẫn chưa đánh giá hết các tồn tại trong quản lý điều hành, quản lý tài chính cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN (chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty). Chưa có đánh giá sâu để có những thay đổi về cơ cấu tổ chức bộ máy của các tập đoàn, tổng công ty, nhất là đối với DN có nhiều đơn vị thành viên, nhiều phòng, ban chức năng, hiệu quả hoạt động chưa cao; thiếu các phân tích và đánh giá rõ ràng, đầy đủ về hiện trạng tài chính theo những chỉ số thông dụng nhất như tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu, khả năng thanh toán, phân bổ vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực... để từ đó đặt ra yêu cầu tái cơ cấu tài chính. Không chỉ vậy, một số đề án cũng chưa đi sâu phân tích vấn đề năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh trong tương quan so sánh của thị trường để sắp xếp, đào tạo lại lao động. Trong các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty, phần nhiều mới tập trung ở việc sắp xếp, thu gọn đầu mối DN trực thuộc theo hình thức sáp nhập, hợp nhất. Nhiều đề án chưa nêu được các giải pháp căn bản để tái cơ cấu theo hướng mục tiêu đã xác định là tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính và cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ðẩy nhanh cổ phần hóa và thoái vốn

Sau khi các đề án được phê duyệt, các DN, tập đoàn, tổng công ty đang thực hiện giai đoạn triển khai tái cơ cấu trên thực tế. Ðây là khâu quan trọng của quá trình tái cơ cấu DNNN, là trọng tâm và nội dung chính của tái cơ cấu DNNN. TS Trần Tiến Cường cho rằng, giai đoạn quan trọng này cần rất nhiều nỗ lực, thời gian và cả nguồn lực như tài chính, nhân lực, sự chỉ đạo giám sát, đánh giá, điều chỉnh... để thực hiện các hoạt động tái cơ cấu. Tuy nhiên, nhiều DN, tập đoàn, tổng công ty đang phải tự xoay xở với đề án và gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đề án này khiến tiến độ tái cơ cấu chậm so với yêu cầu, thể hiện rõ nhất ở tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty.

PGS, TS Hồ Sỹ Hùng lấy dẫn chứng, theo Quyết định số 929/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 thì việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành phải hoàn thành trước ngày 31-12-2015. Ðây có lẽ là một trong những thách thức không nhỏ khi tình hình thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản đến nay vẫn chưa được cải thiện. Một lộ trình rõ ràng cơ cấu lại các khoản đầu tư ngoài ngành của DNNN là rất khó khăn trong điều kiện yêu cầu và đòi hỏi của chủ sở hữu nhà nước là phải bảo đảm hiệu quả. Ðó là chưa kể nhiều quy định liên quan đến dự án đầu tư, quyền sử dụng đất... vẫn có những vướng mắc pháp lý không dễ xử lý. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành để thực hiện thoái vốn nằm phân tán ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau; nội dung chưa bao quát hết sự đa dạng của các loại vốn và tài sản cần thoái và không còn phù hợp với điều kiện thị trường.

Việc cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành chỉ có thể được đẩy nhanh nếu tháo gỡ được những vướng mắc nêu trên, nhất là sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2011/NÐ-CP của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần để tạo điều kiện cho DN đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Ban hành quy định riêng hướng dẫn việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành như sử dụng giá thị trường của vốn làm tiêu chí đo lường mức độ bảo toàn và phát triển vốn; thẩm quyền và quy trình ra quyết định thoái vốn; cơ chế định giá đối với các loại vốn cần thoái... Bên cạnh các giải pháp này, theo TS Nguyễn Ðình Cung, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, việc thay đổi quan niệm về vai trò và chức năng của cổ phần hóa, thoái vốn cũng không kém phần quan trọng. Cổ phần hóa không phải là để Nhà nước huy động vốn mà là giải pháp thay đổi căn bản hệ thống động lực nội sinh và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN, qua đó, tài sản quốc gia được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế. Tương tự, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải chỉ là để cắt lỗ, giảm lỗ mà là giải pháp sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ lại nguồn lực, làm sống lại một bộ phận nguồn lực hiện đang "chết" ở các tập đoàn, tổng công ty, đưa chúng quay trở lại sản xuất; đưa bộ phận nguồn lực còn lại đang thua lỗ hoặc sử dụng kém hiệu quả thành các tài sản được sử dụng có hiệu quả hơn. "Ðó mới chính là "thoái vốn" ngoài ngành theo đúng tinh thần và nội dung của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng", TS Nguyễn Ðình Cung nhấn mạnh.

Hải Thu (Theo Nhân dân)

.
.
.
.