Xây dựng Đảng phải từ thực tiễn cuộc sống
Khi nói “Nghị quyết một, quyết tâm mười, biện pháp hai mươi” để đưa nghị quyết vào cuộc sống thì đây chỉ là cách nói để thấy vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lòng quyết tâm và biện pháp. Song thực tế cả 3 vấn đề này đều có quan hệ biện chứng với nhau và đều bắt nguồn từ thực tiễn và trở về với thực tiễn cuộc sống.
Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi chốt lại những vấn đề trọng tâm và những nội dung cơ bản, tinh thần quyết tâm của Trung ương, đã nêu những biện pháp cụ thể để tiến hành xây dựng Đảng hiện nay.
Những biện pháp mà Tổng Bí thư nêu lên đều xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, rất cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.
Một là, Trung ương cần thống nhất về nhận thức coi đây là vấn đề hệ trọng, liên quan tới sự tồn vong của Đảng và của chế độ.
Thống nhất nhận thức, triệu người như một, toàn thể Ban Chấp hành Trung ương nhất trí tiến hành đồng bộ các công việc cụ thể thiết thực, tập trung vào những việc cần thiết, cấp bách do thực tế cuộc sống đang đặt ra. Trung ương không chỉ nhận thức mà còn nhấn mạnh, muốn có sức mạnh và uy tín thì Đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, tự đổi mới chỉnh đốn. Từng cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc về khắc phục sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đặc quyền đặc lợi; thấy đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng… Những nhận thức ấy phải được từng đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương, từng cán bộ, đảng viên các cấp nhận thức sâu sắc, đồng lòng nhất trí tu dưỡng, rèn luyện vì danh dự, lợi ích của Đảng, của nhân dân.
Thứ hai, sự gương mẫu của Trung ương, của cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành, địa phương trong xây dựng chỉnh đốn Đảng. Nhận thức phải đi đôi với thể hiện bằng hành động. Đảng ta thường yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nói đi đôi với làm; không được nói một đằng, làm một nẻo; nói nhiều làm ít, bệnh thành tích, thiếu trung thực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương tự giác, gương mẫu kiểm điểm, tự phê bình trước để phát huy cái tốt, gột rửa cái xấu, tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi để không rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân tệ hại. Sự gương mẫu của các đồng chí, nói đi đôi với làm sẽ có sức mạnh thuyết phục, tạo lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân hơn nhiều lần những lời hiệu triệu.
Ba là, tiến hành nghiêm túc cuộc đấu tranh phê bình, tự phê bình trong Đảng. Trung ương cũng chỉ rõ đây là cuộc đấu tranh gay go, phức tạp diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức. Nó đòi hỏi toàn Đảng phải nỗ lực rất cao, mỗi cán bộ đảng viên phải có quyết tâm rất lớn, phải có những biện pháp thật kiên quyết, tích cực.
Xưa nay Bác Hồ, Đảng ta nói nhiều và nhấn mạnh việc đấu tranh phê bình, tự phê bình là một quy luật, là vũ khí xây dựng Đảng, nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Đấu tranh phê bình, tự phê bình còn hình thức, chủ quan thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác, hoặc thậm chí thấy khuyết điểm của người khác nhiều hơn mình. Không đủ dũng khí, không cầu thị nhận diện thiếu sót, khuyết điểm của chính mình, loanh quanh che đậy hoặc đẩy lỗi cho người khác. Cũng có thể không dám phê bình người khác, nhất là phê bình cấp trên khi biết rõ thiếu sót của họ nên có thái độ nể nang, “im lặng là vàng”, vuốt ve, “nín thở qua đò”, thấy đúng không bảo vệ, sai không dám đấu tranh, cơ hội, ích kỷ cá nhân. Không tránh khỏi có những thái độ lợi dụng phê bình, tự phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, chia rẽ đoàn kết, cô lập thanh trừ đối thủ, co kéo lực lượng, lập phe cánh đối phó lẫn nhau vì những mưu cầu lợi ích cá nhân không trong sáng, thiếu lành mạnh.
Những thái độ như vậy đều trái với nguyên tắc của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên cấp cao lại càng phải gương mẫu, tự giác phê bình, tự phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí. Đảng giấu giếm khuyết điểm như người giấu giếm bệnh, không dám uống thuốc, bệnh nặng thêm nguy hiểm đến tính mạng. Bác Hồ khẳng định, một đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có khuyết điểm, dám tự phê bình để khắc phục là một đảng chân chính.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hoạt động của các cơ quan chức năng, kiểm tra và sự giám sát của nhân dân.
Xây dựng nền nếp sinh hoạt đảng, giữ vững các nguyên tắc của đảng. Phát huy vai trò tích cực khách quan của các cơ quan kiểm tra, tôn trọng phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên. Thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về tình hình, mức độ đảng viên, cán bộ suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và các biện pháp xử lý với những người vi phạm. Đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền tham nhũng, vụ lợi cá nhân chạy chức, chạy quyền đã làm tổn thất tiền của, tài sản, tài chính và lòng tin của nhân dân thì càng cần xử lý nghiêm, công khai, minh bạch để làm gương, cho dù người ấy là ai, ở cương vị gì.
Những biện pháp để xây dựng chỉnh đốn Đảng có nhiều, song có thể khái quát ở mấy điểm trên. Tất cả mọi biện pháp đều xuất phát từ thực tiễn xây dựng đảng, từ thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị suy thoái, từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.
PGS. TS Trần Quang Nhiếp
Báo điện tử Chính Phủ