.
.

Liệu có nên áp giá điện riêng với thép và xi măng?

Thứ Ba, 08/05/2012|14:38

 

Chỉ tính riêng sản lượng điện tiêu thụ của hai ngành sản xuất thép và xi măng  trong năm 2010 đã lên tới gần 9,5 tỷ kWh, chiếm 11,06% tổng sản lượng điện thương phẩm của EVN.

  •  

Đề xuất về việc áp dụng mức giá điện riêng cho hai ngành sản xuất thép và xi măng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra hồi cuối năm ngoái, và mới đây được nhắc lại trong một hội thảo tại Học viện Tài chính. Tuy đề xuất này chưa có văn bản chính thức nhưng đã gây xôn xao dư luận - nhất là doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng.

Lý do để EVN đưa ra đề xuất này là trong năm 2010, chỉ tính riêng sản lượng điện tiêu thụ của hai ngành sản xuất thép và xi măng đã lên tới gần 9,5 tỷ kWh, chiếm 11,06% tổng sản lượng điện thương phẩm của EVN. Trong khi đó, giá bán bình quân cho các hộ sản xuất sắt thép và xi măng năm 2010 chỉ là 914 đồng/kWh, thấp hơn giá thành điện bình quân là 1.183 đồng/kWh. Với cách nói như vậy, ngành điện đang khiến nhiều người, kể cả các chuyên gia kinh tế, hiểu nhầm rằng: lâu nay, ngành thép và ngành xi măng đang được hưởng cơ chế giá điện riêng, thấp hơn mặt bằng giá chung.

Nên áp dụng cùng 1 mặt bằng giá điện đối với doanh nghiệp sản xuất  (Ảnh minh họa)

T.S Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Giá điện thương mại vẫn kêu lỗ mà giá điện cho thép và xi măng còn thấp hơn giá điện bình thường, như vậy là ta bù lỗ. Đã bù lỗ mà tự dưng lại trợ giá điện và qua đó trợ giá thép cho họ, như vậy sẽ làm méo mó thị trường. Kinh tế thị trường là cứ có mặt bằng giá chung bằng nhau, đảm bảo cho ngành điện không bị lỗ”.

Thế nhưng, trên thực tế, giá điện không hề ưu tiên cho sản xuất thép và xi măng, mà vẫn là mức giá điện áp chung cho sản xuất. Tất nhiên, với giá điện cho sản xuất thấp như hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam để tranh thủ giá điện rẻ, phá vỡ quy hoạch của nhiều ngành kinh tế, tạo ra áp lực đối với nền kinh tế nói chung.

Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Hiện nay chưa có giá điện dành riêng cho thép hay bất cứ ngành nào. Theo tôi, việc áp mức giá điện riêng cũng là một cách để hạn chế các dự án thép, vì giá điện rẻ nên các “ông lớn” sản xuất thép mới ồ ạt đầu tư vào đây hưởng giá điện rẻ để có lợi nhuận. Cùng với thép, các dự án đầu tư công nghiệp phụ trợ cũng đổ vào Vũng Tàu vì giá điện rẻ”.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam: “Nói rằng, vì ngành thép sử dụng nhiều điện nên phải đánh mức giá cao thì theo tôi như thế là không công bằng. Một ngành công nghiệp nặng trong nước cũng gặp đầy đủ các khó khăn như những ngành công nghiệp khác mà tự nhiên lại phân biệt đối xử với ngành thép và ngành xi măng với mức giá điện khác thì không có lý và không thuyết phục”.

Trong đó, thép và xi măng là hai ngành đang bị vỡ quy hoạch nghiêm trọng nhất, đồng thời cũng là hai ngành tiêu tốn nhiều điện năng nhất. Quý I năm 2012, dù sản xuất và tiêu thụ sụt giảm (sản xuất xi măng giảm 6,5%, sản xuất thép giảm 8,9%) nhưng hai ngành này vẫn tiêu thụ 2,38 tỷ kWh, chiếm 10,41% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước. Vì vậy, có những ý kiến cho rằng, việc tăng giá điện đối với hai ngành này có thể sẽ giúp hạn chế được tình trạng phá vỡ quy hoạch.

 

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào việc quy hoạch phát triển các ngành bị phá vỡ và hai ngành này sử dụng nhiều điện để đưa ra một mức giá riêng áp dụng cho sản xuất thép và xi măng, sẽ là bất hợp lý. Cách làm ấy sẽ tạo nên cơ chế hai giá trong giá điện - điều mà lâu nay chúng ta đang muốn xóa bỏ. Đồng thời cũng không phù hợp với quy luật kinh tế cũng như các cam kết của chúng ta khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, phân tích: “Nguyên tắc cơ bản của WTO là sự minh bạch và sự bình đẳng giữa các ngành. Thế nên, nếu trong các quy định về tài chính lại có những quy định thiên lệch cho ngành nọ ngành kia hoặc là cho các đối tượng khác nhau, là vi phạm WTO”.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, việc tính đúng, tính đủ giá điện là cần thiết, vì ngân sách không thể bù lỗ mãi cho ngành điện. Nhưng việc điều chỉnh phải đáp ứng 2 yêu cầu: Một là, chọn thời điểm để tránh gây áp lực lên DN; Hai là, đảm bảo sự công bằng giữa các DN. Ông Trần ánh Dương, Cty thép Hòa Phát, nêu quan điểm: “Tăng hay không tăng giá điện thì DN sản xuất cũng nên cùng 1 mặt bằng, không nên ngành này dùng nhiều thì giá tăng, ngành kia dùng ít thì giá giảm. Như thế không phù hợp nguyên lý kinh tế”.

Câu chuyện này hiện vẫn đang được bàn cãi và chưa có bất kỳ một đề xuất chính thức nào từ các bên có liên quan. Nhưng rõ ràng là, ngay từ tư duy, chúng ta cần tránh những đề xuất, những giải pháp mang tính hành chính, tạo nên sự bất bình đẳng giữa các DN, vi phạm các quy định trong Luật DN của nước ta cũng như những nguyên tắc cơ bản của WTO./.

                                                                                                                                                                    TNVN

 

.
.
.
.