.
.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lợi nhuận ước đạt hơn 3.129 tỷ đồng năm 2022

Thứ Bảy, 07/01/2023|16:51

Chiều 06/01/2023, tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng Giám đốc VIMC cho biết, trong bối cảnh ngành hàng hải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc, lạm phát tăng cao… tuy nhiên, đơn vị đã đạt lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra trong năm 2022 nhờ sự đóng góp của vận tải biển và cảng biển. Cụ thể, trong năm 2022, sản lượng vận tải biển toàn Tổng công ty ước đạt 21,8 triệu tấn, đạt 113% kế hoạch 2022; sản lượng hàng thông qua cảng ước đạt 124 triệu tấn, đạt 93% kế hoạch 2022, sản lượng container ước đạt 5,8 triệu TEU đạt 97% kế hoạch 2022. 

Doanh thu hợp nhất của VIMC uớc đạt 15.041 tỷ đồng, bằng 105% cùng kỳ 2021 và 120% kế hoạch 2022, trong đó doanh thu Công ty mẹ ước đạt 2.339 tỷ đồng, bằng 128% cùng kỳ 2021; 138% kế hoạch 2022. Lợi nhuận hợp nhất của VIMC ước đạt 3.129,5 tỷ đồng bằng 124% kế hoạch, trong đó lợi nhuận Công ty mẹ ước đạt 682 tỷ đồng, bằng 296% cùng kỳ 2021 và bằng 284% kế hoạch.

Cũng trong năm 2022, lợi nhuận toàn khối vận tải biển của VIMC ước đạt 1.869 tỷ đồng (174% cùng kỳ 2021; 144% kế hoạch 2022). Một số đơn vị vận tải biển có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh nổi bật bao gồm: Vosco đạt lợi nhuận 659 tỷ đồng (130% cùng kỳ), VIMC Shipping đạt lợi nhuận 415,5 tỷ đồng (246% cùng kỳ), Vinaship đạt lợi nhuận 319 tỷ đồng (176% cùng kỳ). 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao Cờ thi đua Chính phủ cho các đơn vị của VIMC hoàn thành viên xuất sắc.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trao Cờ thi đua Chính phủ cho các đơn vị trực thuộc của VIMC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (ảnh VOV).

Ngoài ra, một số đơn vị đã tích cực đẩy mạnh và đạt kết quả tốt trong công tác tái cơ cấu tài chính như Bisco, Vitranschart. Với tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ngày càng cao, tiềm năng phát triển đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam lại chủ yếu do đội tàu nước ngoài đảm nhận, chiếm đến trên 90%, đặc biệt các tuyến biển xa như châu Mỹ, châu Âu. Đội tàu trong nước chủ yếu vận tải nội địa và hoạt động tuyến quốc tế ngắn trong khu vực châu Á. Đội tàu của Việt Nam hiện chưa thể cạnh tranh được đội tàu nước ngoài do cơ cấu đội tàu chưa hợp lý, trọng tải nhỏ, trong khi xu hướng thế giới phát triển tàu trọng tải lớn để tối ưu hóa chi phí vận tải, đặc biệt là đội tàu container và tàu chuyên dụng. Cụ thể, đội tàu của VIMC đang quản lý đội gồm 59 chiếc, trong đó có 04 tàu dầu (chiếm 5% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 10 tàu container (chiếm 7% tổng trọng tải đội tàu VIMC), 45 tàu hàng khô (chiếm 88% tổng trọng tải đội tàu VIMC). Hầu hết các tàu được mua đã qua sử dụng hoặc đóng mới từ trước năm 2010, tuổi tàu trung bình là 20 tuổi.

Một số đơn vị cảng biển đạt được kết quả nổi bật trong công tác sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường như: cảng Hải Phòng, cảng Đà Nẵng, cảng Khuyến Lương. Trong đó, năm 2022, Cảng Hải Phòng đã thu hút được toàn bộ service của hãng tàu Maersk/Sealand tại khu vực Đình Vũ - Hải Phòng.

Đồng chí Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, nếu thời điểm 5-7 năm trước, vốn chủ sở hữu VIMC từ âm 7.600 tỷ đồng nay đã đảo chiều dương và hiện đạt hơn 13.800 tỷ đồng. Đời sống người lao động ngày càng được cải thiện với mức lương bình quân năm 2022 là 16,6 triệu đồng/người trong toàn hệ thống.

Trong năm 2023, VIMC dự báo bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến không thuận, ảnh hưởng lớn đến ngành hàng hải toàn cầu. Thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.

Lĩnh vực cảng biển của VIMC sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý IV/2022. 

Vì vậy, VIMC đặt mục tiêu đạt sản lượng vận tải biển khoảng 17,7 triệu tấn; sản lượng khối cảng biển đạt 134,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất đạt 13.354 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 2.330 tỷ đồng. Đồng thời, hoàn thiện hệ sinh thái với trọng tâm phát triển hệ thống cảng nước sâu làm cơ sở hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ cho hàng container và hàng rời; nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm: dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, năm 2022, VIMC duy trì đà tăng trưởng 20% cả doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra. VIMC là điểm sáng về hoạt động tăng trưởng ổn định và lợi nhuận cao so với kế hoạch trong 19 tập đoàn, tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Với các lĩnh vực hoạt động về vận tải biển, cảng biển của Tổng công ty, nếu phát huy được và bổ trợ lẫn nhau giữa 2 lĩnh vực này thì VIMC sẽ cần phải tăng trưởng xanh, bền vững và tăng trưởng tuần hoàn, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ,” đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh nói.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh, cả 3 đề án gồm chiến lược phát triển, tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023 - 2025 của VIMC đã được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho ý kiến và sẽ sớm hoàn thiện phê duyệt. Do đó, VIMC cần bám sát, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, đảm bảo đạt được mục tiêu chiến lược đề ra thời gian tới./.

P.V

.
.
.
.