Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Cùng hành động phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam
Xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Từ thực tiễn hoạt động và phát huy vai trò Ngân hàng Thương mại hàng đầu Việt Nam chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó phát triển “tín dụng xanh”, triển khai các hoạt động “ngân hàng xanh”, góp phần cùng hệ thống chính trị thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Việt Nam, qua đó góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung.
Khẳng định tư duy, hướng phát triển bền vững
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) là khái niệm được Pearce, Turner- đồng tác giả cuốn sách “Kinh tế Tài nguyên và Môi trường” sử dụng lần đầu vào năm 1990. Tùy vào cách tiếp cận từ các góc độ nghiên cứu và ứng dụng có tính đặc thù riêng, có những khái niệm khác nhau về KTTH. Từ góc độ nền kinh tế, khái niệm KTTH có thể được hiểu là “Mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường”. Sự tuần hoàn này chính là tạo lập các vòng lặp khép kín, nhằm giảm tối thiểu nguyên liệu đầu vào, lượng phế thải, khí thải và độ ô nhiễm, tăng tính bảo vệ môi trường.
Ở Việt Nam, chủ trương về phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó có nông nghiệp đã được Đảng ta đề cập đến. Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25/6/1998 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước đã “ban hành các chính sách về thuế, tín dụng nhằm hỗ trợ áp dụng các công nghệ sạch”; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước cũng chỉ rõ “khuyến khích tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 tại Đại hội XI (2011) của Đảng; Nghị quyết 24/NQ-TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã tiếp tục nhấn mạnh và chi tiết hóa chủ trương này. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành các chính sách như Chiến lược bảo vệ môi trường đến 2020, tầm nhìn 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh... Những chính sách này đã thể hiện sự chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việt Nam là một quốc gia đang hội nhập ngày càng sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, đều có các điều khoản quy định về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bắt buộc các bên phải tuân thủ các tiêu chuẩn phát chất thải, khí thải.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra đầu năm 2020 đã ra lời kêu gọi: “Thế giới đang cần một nền KTTH. Hãy giúp chúng tôi biến điều đó thành hiện thực”. Đây chính là tiền đề thúc đẩy Việt Nam gia tăng tốc độ chuyển đổi sang KTTH với những thời cơ và thuận lợi.
KTTH là xu hướng chung, tất yếu có tính toàn cầu đã được triển khai thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore...
Đối với Việt Nam, KTTH được Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII: “Phát triển bền vững là xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, KTTH, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn”; “Phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình tái sản xuất”. Cùng với đó, Đảng ta chỉ rõ: “Đẩy nhanh chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực đã có điều kiện, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, AI, blockchain, in 3D, IoT, an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế”.
Như vậy, đến Đại hội XIII, Đảng ta đã có quan điểm rất rõ về KTTH, phát triển KTTH sẽ góp phần phát triển nhanh và bền vững. Phát triển KTTH chính là giải pháp lâu dài giải quyết tình trạng thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa… Bởi Việt Nam đang cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, là một quốc gia có xuất phát điểm thấp, lạc hậu, quá trình phát triển KTTH cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tư duy nhận thức, về nguồn lực, về cơ chế chính sách, thói quen sản xuất và tiêu dùng của xã hội…
“Bóng dáng” kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp được hiểu là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Phát triển nông nghiệp Việt Nam bền vững đang đứng trước những áp lực của sự suy giảm tài nguyên, gia tăng phát thải và biến đổi khí hậu. Phát triển KTTH trong nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do giảm thiểu chi phí sử dụng tài nguyên (giảm chi phí sử dụng nước, tái sử dụng các chất thải, xử lý biogas giúp giảm chi phí nhiên liệu...), giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp Việt Nam đã và đang xuất hiện một số mô hình có “bóng dáng” KTTH. Có thể kể đến mô hình Vườn -Ao - Chuồng (VAC) phổ biến ở Việt Nam từ những năm 1980 và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Trong đó, Vườn (V) là hoạt động trồng trọt; Ao (A) là nuôi trồng thủy sản và Chuồng (C) là chăn nuôi gia súc, gia cầm trong các hộ gia đình, gia trại, trang trại. Mô hình VAC đã tạo ra một mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp, gắn kết trồng trọt với chăn nuôi, hạn chế chất thải, thuận theo tự nhiên và hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn. Sau này, mô hình này đã được cải tiến phù hợp với trình độ phát triển của sản xuất nông nghiệp cũng như điều kiện sinh thái của từng vùng lãnh thổ trên cả nước, đó là: Vườn - Ao - Chuồng - Bioga (VACB); Vườn - Ao - Chuồng - Rừng (VACR) ở các tỉnh miền núi; Vườn - Ao - Hồ (VAH) ở các tỉnh miền Trung. Các mô hình này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính. Nhất là mô hình VACB đã giúp quản lý chất thải nông nghiệp, sử dụng hợp lý phế, phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón trả lại độ phì cho đất, xử lý an toàn chất thải động vật, tạo năng lượng tái sinh, tạo nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt, chống ô nhiễm môi trường và góp phần giảm phát thải, giảm hiệu ứng nhà kính. Từ quy mô ban đầu nhỏ lẻ, từng hộ gia đình áp dụng, đến nay, mô hình VAC đã phát triển rộng khắp trên cả nước với các hình thức đã được cải tiến cùng những ứng dụng linh hoạt trong quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh tại nhiều hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn.
Bên cạnh mô hình VAC, còn có mô hình “lúa, tôm”; “lúa, cá”. Mô hình “lúa, tôm” được áp dụng từ đầu những năm 2000 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Còn mô hình “lúa, cá” được thực hiện ở các tỉnh vùng trũng, hay vùng ngập úng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Trong mô hình này, khi nuôi tôm hoặc cá trong ruộng lúa, phân của tôm, cá và thức ăn còn dư (của tôm, cá) sẽ làm phân bón bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa; ngược lại, khi gặt lúa xong, thả tôm (cá) vào ruộng, gốc rạ, thóc rơi vãi trở thành nguồn thức ăn cho tôm, cá. Với mô hình luân canh này hầu như cây trồng, vật nuôi không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường. Mô hình “lúa, tôm”, “lúa, cá” được triển khai trong thực tiễn đã giúp giảm dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, tạo sản phẩm an toàn, nhất là giúp nông dân nâng cao thu nhập gấp từ 5-10 lần trên cùng một đơn vị diện tích so với chỉ trồng lúa. Đến nay, mô hình này đang được phát triển theo hướng mô hình “lúa thơm - tôm sạch” và “lúa thơm - cá sạch”. Theo đó, chất thải sau vụ nuôi tôm, cá là nguồn phân bón để sản xuất lúa thơm, đồng thời, kết hợp sử dụng nấm xanh để trừ sâu rầy trong canh tác lúa thơm hữu cơ. Khi vùng nuôi tôm liên kết với nhà máy chế biến tôm thì vỏ tôm được tận dụng để sản xuất chitin (chất có tác dụng giúp kéo dài thời gian bảo quản rau quả, thịt; phụ gia dùng trong chế biến một số đồ uống), qua đó, tận dụng phụ, phế phẩm trong nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam còn có mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; Mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; Mô hình sản xuất tổng hợp bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm – cá; Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer: trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón)… được phổ biến ở hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước với lợi ích đem lại đó là tái sử dụng chất thải nông nghiệp làm phân bón, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng sạch hơn và giảm thiểu phát thải, giảm khí nhà kính, đem lại hiệu quả kinh tế cao…; Mô hình “vòng tuần hoàn xanh” được Vinamilk áp dụng để phát triển trang trại bò sữa thân thiện với môi trường, theo tiêu chuẩn quốc tế (Global GAP) và tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu (EU Organic).
“Tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Được thành lập ngày 26/3/1988 với nhiệm vụ chính là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển kinh tế xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong suốt hơn 33 năm phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) luôn đồng hành cùng với người nông dân, doanh nghiệp trên khắp mọi miền tổ quốc, đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với từng giai đoạn phát triển cụ thể. Với tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm trên 70% dư nợ của ngân hàng và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của toàn hệ thống các TCTD, các chương trình tín dụng của Agribank đã và đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước ta.
Là một trong các Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, Agribank luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của một Ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước trong việc tiên phong, nghiêm túc thực thi nghiêm túc, có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Bám sát chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng về đẩy mạnh thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Agribank với vai trò tiên phong, chủ lực của Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam luôn chủ động, tích cực đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh chóng đi vào cuộc sống. Với nhận thức Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) là Nghị quyết mang tính toàn diện và đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta từ trước đến nay, góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao, Đảng ủy Agribank đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo Agribank tiên phong, chủ lực triển khai Chính sách tín dụng về phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55) và các chương trình tín dụng chính sách khác.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nông nghiệp ngày càng gia tăng và có ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống con người, cảnh quan sinh thái, Agribank càng ý thức sâu sắc vai trò tầm quan trọng của KTTH trong nông nghiệp nhằm hướng đến hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững.
Nguồn vốn Agribank đầu tư cho "Tam nông" luôn chiếm 70% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn nhất thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ, đồng thời góp phần tích cực cùng ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh được Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban điều hành Agribank đặc biệt quan tâm.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, kinh tế xanh là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng. Từ năm 2012, Trung ương đã có chuyên đề thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đặt ra nhiệm vụ tổng quát cho cả nhiệm kỳ 2016-2020 đó là “bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu”, đồng thời nhấn mạnh việc nâng cao sức tăng trưởng, đổi mới sáng tạo phát triển nhanh và bền vững, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của ngành Ngân hàng. Năm 2014, Thủ tướng ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. NHNN được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ: “Hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các NHTM phục vụ tăng trưởng xanh”. Năm 2016, điểm nhấn đáng lưu ý là cam kết INDC của Việt Nam (Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định) và Quyết định số 2053/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. NHNN được giao phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ: “Đẩy nhanh việc áp dụng các công cụ tài chính như chương trình tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh và theo đó có bộ tiêu chí về dự án xanh”.
Chung tay cùng hành động, năm 2015, NHNN ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Cùng với đó ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020. NHNN cũng đã hợp tác với IFC (Tổ chức phát triển tài chính toàn cầu lớn nhất) xây dựng bộ hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngày 07/8/2018, NHNN đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1064) nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Theo đề án, phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/ bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.
Với ý thức phát triển tín dụng xanh sẽ góp phần phát triển kinh tế xanh, KTTH, Agribank cùng hệ thống các TCTD tích cực vào cuộc. Theo thống kê, dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71.000 tỷ đồng lên 340.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2015-2020. Tỷ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng đều từ 1,55% năm 2015 lên 3,7% năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh tính đến hết quý I/2021 là khoảng 335.000 tỷ đồng, chiếm 3,6% tổng dự nợ toàn nền kinh tế, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp xanh (hơn 39%) và năng lượng tái tạo (37%). Dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 1.312.659 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,17% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN). Agribank được đánh giá là một trong số NHTM Việt Nam có tỷ trọng tín dụng xanh cao.
Luôn dẫn đầu và chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, Agribank nhận thức sâu sắc về những nguy cơ khi nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, thách thức to lớn trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm... Chính vì vậy, Agribank quyết tâm đi đầu thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh (Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có Chỉ thị 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Agribank đã ngay lập tức vào cuộc triển khai thông qua các hành động cụ thể như: Ban hành văn bản về việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng nhằm chỉ đạo toàn hệ thống, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng gắn với quản lý môi trường – xã hội, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về hoạt động cấp tín dụng xanh, nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng... Trong quy trình nghiệp vụ tín dụng, sổ tay tín dụng của Agribank luôn gắn việc thẩm định dự án, phương án vay vốn với vấn đề đảm bảo môi sinh, môi trường, các dự án phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt của cấp thẩm quyền theo quy định của pháp luật, kiên quyết loại trừ cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường, xã hội… Bên cạnh đó, Agribank đã tham gia nhiều Dự án có liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường do Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức tài chính tài trợ như: Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; Quản lý rủi ro thiên tai; Hỗ trợ nông nghiệp Cacbon thấp; Cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; Điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn ĐBSCL và miền Trung Tây Nguyên…
Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi phục vụ “Nông nghiệp sạch” (bắt đầu từ ngày 01/11/2016) với quy mô vốn không hạn chế, trước mắt là 50.000 tỷ đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn theo quy định hiện hành của NHNN và Agribank. Bên cạnh đó, Agribank đồng hành với chương trình “Nông nghiệp sạch” do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia (VTV1) với mong muốn góp phần nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn đã và đang dần được hình thành trên toàn quốc, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của hàng nông sản Việt Nam.
Trên thực tế, từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang được hình thành trên khắp mọi vùng, miền đất nước: mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hoà), ngô (Sơn La)… và các mô hình này đã tạo sự đồng thuận cao giữa các doanh nghiệp và người dân.
Tiên phong cùng ngành Ngân hàng thực hiện thành công các Chiến lược quốc gia của Việt Nam về kinh tế xanh thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, bám sát tính thời sự của chương trình “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” do Thủ tướng Chính phủ và Liên hợp quốc phát động, Agribank triển khai nhiều chương trình, hoạt động “ngân hàng xanh” gắn với thông điệp “Vì tương lai xanh”: trồng 01 triệu cây xanh trong năm 2020, phát động phong trào thi đua “Nói không với rác thải nhựa”, “Nói không với hút thuốc lá”, “Gìn giữ môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp”, “Chung tay làm sạch môi trường biển” tại 28 tỉnh/thành phố ven biển, tổ chức các roadshow đi xe đạp tại các thành phố lớn chuyển tải thông điệp “Cùng hành động giảm khí thải ra môi trường”, đồng hành cùng các Bộ Ngành, địa phương cả nước triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ khởi xướng…
Để phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh” như một trong những công cụ quan trọng thúc đẩy kinh tế xanh, KTTH ở Việt Nam, từ thực tiễn hoạt động, Agribank mong muốn nhận thức về KTTH nói chung và KTTH trong nông nghiệp ở Việt Nam ngày càng được nâng cao, cùng với đó hình thành các tiêu chí cụ thể của KTTH trong nông nghiệp, xây dựng hành lang pháp lý thuận lợi, minh bạch, ổn định để thu hút doanh nghiệp, người dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình phát triển KTTH trong nông nghiệp và phát triển KTTH nói chung theo định hướng của Đảng, Nhà nước với mục tiêu phát triển an toàn và bền vững./.
Agribank