Người lính Điện Biên trên mặt trận dầu khí
Ông kể về những ngày trong quân ngũ – là anh lính bộ đội cụ Hồ, được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử… Rồi kỷ niệm những ngày đầu về Viện Dầu khí, xây dựng Viện trở thành cơ quan nghiên cứu quan trọng nhất của ngành Dầu khí nước nhà và có tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Người lính trên mặt trận dầu khí
Có thể nói về ông như thế và chính ông cũng tự họa như thế về mình. Dù bao nhiêu năm sống và làm việc trong ngành Dầu khí nhưng ông vẫn một mực khẳng định mình là người lính và chính nhờ bản chất người lính cụ Hồ mà ông đã đem đến một diện mạo, sắc thái đẹp cho Viện Dầu khí ngày ấy.
Tôi cố gắng ghi lại tất cả những cảm xúc của ông dù câu chuyện có lúc bị ngắt quãng vì mệt. Ngày đó, chàng thanh niên Hoàng Lộc – quê Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng như bao thanh niên trai tráng khác cùng thời, lên đường ra trận “lòng phơi phới dậy tương lai”. Sinh ra ở mảnh đất giàu truyền thống cách mạng Nghệ An, nơi chôn nhau cắt rốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một niềm tự hào và hạnh phúc lớn của chàng trai trẻ lúc này.
Ông nhớ lại: “Năm 1946, tôi gia nhập Vệ quốc đoàn, được cử đi học Trường Quân chính, do cụ Hồ Tùng Mậu làm Giám đốc. Học xong, tôi trở về đơn vị làm chính trị viên trung đội. Cuối năm đó, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó là vinh dự lớn đối với một thanh niên 18 tuổi như tôi. Tôi đã có một lý tưởng để dâng hiến cả cuộc đời mình. Tôi cũng hiểu ra một ý nghĩa trọng đại là mình thuộc thế hệ thanh niên đầu tiên được tham dự vào sự kiện lịch sử lớn lao làm thay đổi số phận của một dân tộc đã hàng thế kỷ sống trong tăm tối nô lệ, bất công, đói nghèo, lạc hậu…”.
Ông Hoàng Lộc
Đến năm 1947, ông là Chính trị viên đại đội, được cấp trên cử đi học lớp Tỉnh ủy viên do Liên khu ủy Liên khu IV chủ trương. Tại lớp học, ông được nghe nhà lý luận văn hóa Hải Triều giảng dạy về triết học, duy vật biện chứng, lý luận văn học… Chính những kiến thức hay, sâu sắc, mới lạ này đã giúp ích ông rất nhiều trong công tác chính trị tư tưởng về sau.
Năm 1954, đơn vị ông tham gia Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là quãng thời gian đẹp, hào hùng, bi tráng và cũng để lại những khoảnh khắc không bao giờ quên trong cuộc đời ông. Vì thế, đoạn hồi ức này không hề ngắt quãng, ông như đang thăng hoa trong cảm xúc: “Khi đó tôi 26 tuổi. Trung đoàn 98 của chúng tôi được lệnh đánh chiếm đồi C1, C2. Trận đánh ác liệt suốt 55 ngày đêm, bộ đội ta hy sinh nhiều, nhưng rồi chúng tôi cũng đã hạ được căn cứ quân sự quan trọng đó. Trung đoàn 174 đánh đồi A1. Đại đoàn 312 do anh Lê Trọng Tấn chỉ huy tấn công vào khu trung tâm, đánh chiếm hầm tướng De Castrie”.
Kể đến gần hết chiến dịch, giọng ông chùng lại, có lẽ ông đang nhớ về chiến trường xưa, nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Nhưng rồi mắt ông vụt sáng, giọng cao và thanh hẳn lên: “Tôi sẽ mãi tự hào được tham dự trận đánh tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử chiến đấu giành độc lập của cả dân tộc”.
Ít lâu sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông được cử về Học viện Chính trị trung cao cấp quân đội, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu. Cứ cảm giác rằng ông bị chùn chân, nhưng không, chính những trải nghiệm xương máu trên chiến trường cùng những kiến thức thu nạp trong quân ngũ đã cho ông một vốn kiến thức vừa sâu sắc vừa sống động. Có lẽ, nhờ vậy mà những bài giảng chính trị của ông không hề khô khan. Sau đó, để bổ sung kiến thức giảng dạy, ông theo học lớp hàm thụ khoa Văn của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Khi nước nhà thống nhất (tháng 4/1975), thì ngay sau đó, tháng 9/1975 Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được thành lập. Đó là tầm nhìn chiến lược của Đảng về vấn đề năng lượng quốc gia, an ninh năng lượng nước nhà. Dầu khí là tiềm năng kinh tế to lớn của đất nước. Nhưng đó cũng là một hành trình gian nan, qua nhiều khúc quanh để có được những thành quả của ngành Dầu khí như hôm nay, mà những người đầu tiên, những người mở đường đã không quản bao gian khó, với niềm tin cháy bỏng Việt Nam có dầu mỏ và người Việt Nam sẽ khai thác được dầu mỏ. Và đó là mong ước của Bác Hồ lúc sinh thời. Trong chuyến thăm Liên Xô ngày 23/7/1959, khi tới thăm Khu Công nghiệp Dầu khí ở Bacu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các lãnh đạo nước Cộng hòa Azecbaizan rằng: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được, tôi có hy vọng và tin tưởng rằng, sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu…”.
Mong ước của Bác đã thành hiện thực khi những bước đi đầu tiên trong việc xây dựng ngành Dầu khí nước nhà đang thuận lợi. Những con người chủ lực trong Đảng được đào tạo bài bản về văn hóa, chính trị, đã kinh qua những gian khổ, sinh tử trên chiến trường được Đảng chọn để ủy thác niềm tin và họ sẽ cống hiến những thành quả đầu tiên cho ngành. Ông Hoàng Lộc có đầy đủ những điều kiện như trên. Vì vậy, sau mấy năm Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam ra đời, ông được Ban Tổ chức Trung ương Đảng triệu tập và giao nhiệm vụ về ngành Dầu khí. Là người bao nhiêu năm gắn bó với quân đội, đôi lúc cũng làm ông suy tư: “Quân đội là máu thịt của tôi, tôi không nghĩ có lúc phải rời xa quân ngũ với những đồng đội từng gắn bó sinh tử cùng tôi. Nhưng chính tôi là người lính, nên lúc này tôi đã trả lời Ban Tổ chức Trung ương – Tùy ý các đồng chí quyết định. Tôi xin chấp hành”.
Tiếp đến, ngày 22/5/1978, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) được thành lập, là một đơn vị thành viên của Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Vì Đảng xác định Dầu khí là ngành kinh tế mũi nhọn và chiến lược trong quá trình phát triển đất nước nên việc ra đời Viện Dầu khí có vai trò rất quan trọng trong thời điểm này.
Ông Hoàng Lộc cho rằng: “Có lẽ tôi được điều về ngành Dầu khí trong lúc khó khăn ấy là do cấp trên đã tin vào một người lính và tôi là người lính, luôn chấp hành mệnh lệnh”. Những người được điều động về Viện Dầu khí lúc này đang mơ hồ với những tư liệu có được. Có một số tư liệu từ chế độ cũ để lại nhưng cũng chưa có tư liệu nào xác định một cách chính xác nơi nào là thực sự có dầu. Bộ não của Viện có ông Hoàng Lộc – Bí thư Đảng ủy phụ trách Viện, cùng với hai Viện phó là ông Hồ Đắc Hoài và ông Nguyễn Hiệp. Họ đã cùng kề vai sát cánh bên nhau trong thời kỳ đầu gian khó đó, để có những tiên đoán, nghiên cứu và khẳng định mang tầm chiến lược, là nước ta có trữ lượng dầu khí rất lớn.
Trí thức không thể bị coi thường
Viện Dầu khí khi mới thành lập đặt ở Hưng Yên, cách Hà Nội 70km, nhưng những ngày đầu nó là một dãy nhà tranh tre, lại cách xa phố thị. May thay, có được ngôi nhà ba tầng duy nhất từ thời Pháp còn lại, được ưu tiên để đặt các phòng làm việc và đặt các thí nghiệm nghiên cứu. Còn những nhà tranh tre thì làm nhà ở tập thể của 300 cán bộ công, nhân viên (CBCNV), mỗi hộ một gian.
Ông nhớ lại: “Tôi về Viện hôm trước, chưa kịp gặp mặt anh em cán bộ trong cơ quan thì ngay hôm sau một cơn bão lớn tràn đến. Hình như trời muốn thử thách tôi. Công việc hành chính dân sự không hề đơn giản hơn công việc chiến trận. Tôi là người phụ trách Viện, phải đứng ra tập hợp cán bộ, tổ chức lo mọi việc để Viện có thể hoạt động tốt theo chức năng nhiệm vụ. Trước hết phải tạo cho mọi người một cuộc sống ổn định và phải tìm cách nâng cao dần chất lượng đời sống của CBCNV trong cơ quan”.
Lúc này, cán bộ trong Viện bằng mọi sáng kiến, tìm đủ mọi cách để cải thiện đời sống bản thân và gia đình. Vì thế mới có chuyện CBCNV của Viện xin Nhà nước cấp ruộng đất để trồng lúa. Rồi các “viện sĩ” Viện Khoa học – Kỹ thuật dầu khí tổ chức trồng nhãn, cấy rau muống, cuộn thuốc lá, làm bánh cuốn, bánh rán để sống qua ngày. Ông Hoàng Lộc nhìn những trí thức xanh xao, gầy còm vì thiếu chất mà đau lòng nhưng biết làm sao được, chỉ có sự cố gắng làm việc và những sáng kiến hợp lý mới giúp cán bộ trong Viện vượt qua khó khăn lúc này.
Điều làm ông trăn trở nhất là vấn đề cơm – áo – gạo – tiền đã lấy hết thời gian và trí tuệ của anh em. Vì lúc đó trí thức và năng lực của họ không dùng vào những nhu cầu chuyên môn một cách thực sự để phát huy thế mạnh và tiềm năng của họ bao năm học hành vất vả mà chủ yếu dùng vào việc kiếm chút phụ thu, để bổ sung cho khoản lương ít ỏi. Guồng máy hành chính thì cồng kềnh, trì trệ ở mọi lĩnh vực (mà thời ấy nơi nào chẳng vậy). Nói đến đây, nét mặt ông thoáng buồn, giọng như nghẹn lại: “Mọi cố gắng của cá nhân lúc đó chỉ để lo tồn tại. Những nhà nghiên cứu khoa học trong hoàn cảnh như vậy không thể có tầm cao trí tuệ”.
Hãy cứu lấy giới trí thức là điều mà ông luôn đau đáu lúc này. Là một người được đào tạo bài bản, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, lại được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao cho những trọng trách quan trọng. Đó vừa là niềm vui, vinh dự nhưng cũng là trọng trách, nghĩa vụ mà ông không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn của anh em.
Ông cho rằng: “Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, người trí thức cũng không thể bị coi thường và không nên đối xử tệ với họ. Trí thức phải được ưu ái, họ xứng đáng được ưu đãi để có thể tự bộc lộ phẩm chất trí thức của họ…”. Những cán bộ nghiên cứu ở Viện Dầu khí lúc này là những viên ngọc nhưng chưa có dịp phát sáng, chính sự chật vật trong đời sống cơm – áo – gạo – tiền đã làm cho họ ngày càng mờ đi. Vì thế, ông Hoàng Lộc đã bàn với những người có trách nhiệm của Viện phải làm sao để cải thiện đời sống của anh em, để họ còn thời gian và công sức mà chuyên tâm công tác. “Tôi cùng tập thể cán bộ lãnh đạo Viện tổ chức cho khoan thêm giếng lấy nước, xây bể lọc, bể chứa. Những ngôi nhà tranh tre cũng dần dần xây dựng củng cố chắc chắn hơn. Chúng tôi tìm mọi cách để có tiền và vật liệu xây dựng. Xin cấp kinh phí, xin những vật tư dễ được cấp để đổi lấy vật tư cần thiết cho xây dựng… Tôi gần họ để có thể hiểu thấu những cực nhọc của mỗi người, để có thể khích lệ và cổ động họ cùng tham gia vào việc tổ chức cải thiện đời sống và thực hiện nhiệm vụ công tác”, ông cho biết thêm.
Đời sống quá khó khăn đã kìm hãm nhiều thứ nhưng với bản chất người lính cụ Hồ không ngại khó, ngại khổ, ông Hoàng Lộc cùng anh em cán bộ trong Viện từng bước vượt qua khó khăn. Ông cũng tự hào về một tình bạn đẹp lúc này: “Trong những ngày gian nan đó, nhiều anh em đã sát cánh cùng tôi. Trong Ban lãnh đạo Viện tôi có những đồng nghiệp rất tốt, rất hiểu nhau như anh Hồ Đắc Hoài và đặc biệt là anh Nguyễn Hiệp. Anh Hiệp là Viện phó – Tiến sĩ học ở Nga về. Chúng tôi đã phối hợp rất ăn ý trong mọi trường hợp. Người nọ hiểu ý người kia kể cả những lúc chưa nói ra. Một tình bạn đẹp khắc sâu mãi trong tâm khảm hai chúng tôi”.
Với những khó khăn ban đầu, với bao chồng chất ngổn ngang, với những con người vừa nghiên cứu tìm những vỉa dầu đang nằm sâu dưới đại dương vừa phải trồng nhãn, trồng lúa, làm bánh… để cải thiện bữa cơm gia đình. Những câu chuyện như trong một cuốn tiểu thuyết dài kỳ nhưng là sự thật. Cái thời kỳ vất vả đó nhưng có những con người dám nghĩ, dám làm, dám xả thân vì đại cuộc, không tư lợi, không nghĩ cho niềm riêng. Vì thế, Viện Dầu khí đã có những đóng góp rất giá trị vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Dầu khí nước nhà. Những kết quả nghiên cứu của Viện là cơ sở cho kế hoạch chiến lược phát triển của ngành. Viện còn là nơi cung cấp nhiều cán bộ chuyên môn cho toàn ngành Dầu khí trong nước và sau này các chuyên gia đó còn thực hiện những dịch vụ liên doanh khai thác dầu khí tại các nước trên thế giới.
Ông Hoàng Lộc - Năm sinh: 1928 - Quê quán: Xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hiện ông cùng gia đình cư ngụ tại TP Vũng Tàu Từng tham gia các chức vụ: - Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam - Bí thư Đảng ủy Viện Dầu khí - Bí thư Đảng ủy Cơ quan Tổng cục Dầu khí - Đảng ủy viên khối Đảng ủy Cơ quan Công nghiệp Trung ương Khen thưởng: - 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì - Huân chương Chiến thắng hạng Hai - Huân chương Chiến công hạng Ba - Huân chương Quân công hạng Hai - Huân chương Kháng chiến hạng Nhất - Huy chương Quân kỳ quyết thắng - Huy chương Cựu chiến binh - Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng |
Theo Petrotimes