.
.

Tái cấu trúc ngành điện: Bước đột phá để cân bằng tài chính

Thứ Tư, 29/02/2012|21:23

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, EVN đang tích cực thực hiện Đề án tái cấu trúc, coi đây là bước đột phá đáng kể nhằm cân bằng tài chính, góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô chống lạm phát, đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước

Triệt để thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành

Giải pháp đầu tiên EVN tính đến trong lộ trình tái cơ cấu là thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành. Đây được coi là giải pháp căn cơ nhằm tập trung vốn và sức lực vào lĩnh vực trọng tâm là sản xuất kinh doanh điện và đầu tư phát triển theo Quy hoạch điện VII.

Hiện nay, EVN đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ phần vốn, nhân lực và công nghệ của EVN Telecom sang cho Tổng công ty viễn thông quân đội - Vietel theo quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, chấm dứt hẳn giấc mộng viễn thông mà Tập đoàn đã bỏ vốn đầu tư tới hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại liên tục thua lỗ. Vấn đề nhiều người quan tâm là, hệ thống cáp quang và hạ tầng công nghệ thông tin đầu tư cho hệ thống điện sẽ được tính toán như thế nào. Bởi lẽ, sau khi bàn giao toàn bộ sang Viettel, EVN sẽ phải thuê lại hệ thống này và chi phí đó liệu có tính vào giá thành điện lần nữa không?.

Việc rút vốn đầu tư ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh tài chính - ngân hàng, bất động sản… cũng đang được EVN triển khai khá mạnh mẽ. EVN đã có Nghị quyết 609/NQ-HĐTV ngày 11/10/2011 về chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của EVN tại ABBank. Hiện EVN đang làm việc với các đối tác để bán bớt phần vốn tại Ngân hàng này và chuyển nhượng vốn 5,37% tỷ lệ sở hữu cổ phần của EVN tại ABBank cho HDBank.

EVN cũng có Nghị quyết số 67/NQ-HĐTV ngày 10/7/2011 về chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại các Công ty liên kết. Tập đoàn đã giao người đại diện phần vốn của EVN tại các Công ty cổ phần bất động sản tìm kiếm đối tác đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, EVN đã có văn bản số 4497/EVN-TCKT ngày 6/12/2011 gửi Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bảo hiểm ToànCầu (GIC) về việc chuyển nhượng cổ phần của EVN tại GIC.Việc thoái vốn trong kinh doanh chứng khoán cũng đang được tiến hành khẩn trương.

Ông Phạm Lê Thanh- TGĐ EVN cho biết, EVN kiên quyết đến năm 2015 sẽ thực hiện thoái vốn triệt để tại các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm. Hiện EVN đang thông qua kế hoạch chi tiết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành phê duyệt để triển khai thực hiện.

Tăng tính chủ động của các đơn vị - Bước tiến mới trong quản trị doanh nghiệp

Đổi mới quản trị doanh nghiệp là giải pháp quan trọng thứ 2 để giải quyết việc bảo toàn và phát triển vốn, xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng của EVN. Ông Phạm Lê Thanh cho biết, EVN đang tập trung rà soát, điều chỉnh các quy định, quy chế của tập đoàn phù hợp với phương án tái cấu trúc doanh nghiệp, phát huy nội lực, cải cách hành chính từ công ty mẹ tới các đơn vị thành viên. Xây dựng ban hành hệ thống mới các quy chế, quy định nội bộ trong các lĩnh vực quản lý để nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, tăng cường tính chủ động, tính trách nhiệm của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Khai thác tối đa mọi nguồn lực của tập đoàn và các đơn vị thành viên để thực hiện nhiệm vụ chính là sản xuất kinh doanh điện.

Cụ thể, EVN sẽ tái cơ cấu lại vốn tại các công ty cổ phần; đổi mới chức năng, nhiệm vụ quản lý của công ty mẹ; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng và nhân lực để vận hành thị trường điện chính thức từ quý II/2012. Hiện nay, EVN đang dự kiến bán tiếp cổ phần của Tập đoàn tại các công ty phát điện đã cổ phần hóa mà nhà nước không cần chi phối như Công ty CP thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, Công ty thủy điện Thác Bà, Thác Mơ, các Công ty CP nhiệt điện Hải Phòng, Quảng Ninh... EVN chỉ giữđộc quyền  lĩnh vực  truyền tải điện. Nguồn vốn thu được sẽ tập trung cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

EVN cũng đã thành lập 3 Tổng Công ty phát điện TNHH MTV, trước mắt trực thuộc EVN, sau đó sẽ tách khỏi EVN và tiến hành cổ phần hoá vào thời điểm thích hợp phục vụ cho vận hành thị trường phát điện cạnh tranh theo lộ trình của Chính phủ.

 Về tái cơ cấu đầu tư,ông Thanh cho biết, toàn Tập đoàn đang rà soát danh mục các dự án đầu tư, nhu cầu đầu tư cần thiết để phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Ưu tiên bố trí vốn cho các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm cấp bách, các dự án nằm trong mục tiêu đưa vào vận hành trong năm 2012; chỉ bố trí vốn đối với các dự án, công trình đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và đủ các điều kiện để thi công và giải ngân.

Cần làm tốt công tác giám sát

 TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội bày tỏ hy vọng vào việc CPH trong quá trình tái cấu trúc EVN sẽ giúp vấn đề tài chính trở nên minh bạch và tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn, từ đó, giúp giá năng lượng đầu vào ổn định và minh bạch. Đây cũng là cơ hội để tách bạch giữa các hoạt động đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với hoạt động kinh doanh năng lượng trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, mở ra cơ hội thu hút nguồn vốn ngoài xã hội để làm tăng các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Tại Lễ tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2011 của EVN, Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng cũng khẳng định, nhiệm vụ quan trọng của EVN hiện nay là thoái vốn và tái cơ cấu ngành nghề, tái cơ cấu đầu tư, tiếp tục sắp xếp đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015; tiếp tục lộ trình giá thị trường một cách hợp lý, có tính đến những thời điểm nhạy cảm để vừa thực hiện cân bằng tài chính, vừa góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô chống lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội của chính phủ.

Theo các chuyên gia, giá điện hiện nay chưa theo kịp thị trường nên chưa hấp dẫn được các nhà đầu tư bên ngoài, mà vấn đề về giá điện có liên quan đến yếu tố độc quyền nhà nước. Muốn giảm dần độc quyền về điện thì phải thực hiên tái cơ cấu, tăng dần yếu tố thị trường. Tuy nhiên, các bước tái cơ cấu phải rất khoa học, đồng bộ. Nếu cải cách quá nhanh sẽ không đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện.

Mặt khác, phải tiếp tục cải cách các thủ tục trình tự chuẩn bị đầu tư, có bướcđột phá về cơ chế chính sách và từng công việc cụ thể trong GPMB... nhằm rút ngắn tiến độ cácdự án điện.Tất nhiên, để thực hiện tái cấu trúc, ngoài quyết tâm chính trị và sự đồng thuận trong tập đoàn, EVN cần phải đánh giá đúng thực trạng, bản chất của vấn đề để tìm ra biện pháp thực sự linh hoạt nhằm đạt được mục tiêu. Đặc biệt, quá trình tái cấu trúc sẽ không thể tránh khỏi mâu thuẫn, vì vậy cần có biện pháp để xử lý hài hòa các lợi ích.

Về vấn đề này, T.S Nguyễn Minh Phong cho rằng, nhiệm vụ EVN cần làm ngay trong năm 2012 là phải rà soát lại các kế hoạch, các dự án đầu tư của mình, kiên quyết cắt giảm và thoái vốn dần để đến năm 2015 không còn đầu tư đa ngành, tập trung đúng vào các lĩnh vực, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, lựa chọn khoanh vùng những lĩnh vực nào có thể CPH được càng nhanh càng tốt, giảm thiểu tình trạng lạm dụng nhà nước cổ phần khống chế hoặc độc quyền 100%. Điều này sẽ vừa thu hút được nguồn lực xã hội vừa đảm bảo an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, việc công khai hóa các chính sách, giá cả, cơ chế liên quan đến đầu ra đầu vào và giá cả mua bán năng lượng cũng rất quan trọng để làm căn cứ cho việc lựa chọn các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và phát triển năng lượng.

Cũng theo ông Phong, cùng với những chính sách đặc thù về giá, Chính phủ và Bộ Công Thương nên có những chính sách hỗ trợ ban đầu cho các doanh nghiệp có thể gặp khó khăn sau khi tái cấu trúc để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

Đặc biệt, Chính phủ và các Bộ, ngành cần có hệ thống giám sát toàn diện và hữu hiệu nhằm làm tốt công tác thông tin và giám sát, xử lý nhanh, sớm, kịp thời, phù hợp với những yêu cầu đặt ra để giúp các doanh nghiệp đi đúng hướng trong quá trình tái cấu trúc.

Công Thương

.
.
.
.