“Đi xe của người trong gia đình thì không bị phạt”
Đó là khẳng định của thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, cục trưởng cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (bộ Công an) với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị chiều 11.11 về thông tin “người điều khiển phương tiện không chính chủ sẽ bị phạt” theo nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19.9.2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2.4.2010.
Trường hợp lái xe thuê, lái xe cơ quan, hay chồng đi xe vợ thì không bị phạt. Ảnh: Chí HiếuTrường hợp lái xe |
Dư luận đang rất hoang mang trước thông tin “đi xe không chính chủ sẽ bị phạt”, thậm chí như chồng đi xe vợ cũng phải chứng minh, có đúng vậy không, thưa ông?
Những trường hợp như đi xe của người trong gia đình, như chồng đi xe vợ, hoặc trường hợp lái xe thuê, đi xe cơ quan… thì không hề bị phạt. Người dân không nên băn khoăn những trường hợp đó. Những trường hợp đó thì lực lượng cảnh sát giao thông không phải xác minh, vì nếu xác minh cũng gây phiền hà, khó khăn cho người dân lẫn lực lượng thực thi. Quy định phạt xe không chính chủ bước đầu chỉ xử lý trường hợp nào rõ ràng cụ thể, như mua bán sau 30 ngày mà không sang tên đổi chủ, nếu cảnh sát giao thông chứng minh được việc đó thì mới bị phạt. Tức là anh là “chủ” xe thật mà xe vẫn đứng tên người khác. Nói cách khác là quy định này áp dụng chủ yếu với hành vi mua đi, bán lại phương tiện mà người mua và người bán không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Trong trường hợp người mua xe sau 30 ngày rồi nhưng vẫn chưa sang tên, bởi xe đó đã qua quá nhiều đời chủ, ví dụ đã mua bán qua 4 – 5 người chủ, họ cũng không thực hiện sang tên nên giờ người mua cuối không tìm được chủ để sang tên, trường hợp này vẫn bị phạt?
Trong trường hợp này thì trách nhiệm thuộc về người mua xe cuối cùng, phải tìm đến người bán đầu tiên để sang tên đổi chủ. Bởi luật quy định rồi mà anh không thực hiện là không được. Các chủ xe không thực hiện vậy trách nhiệm là của họ – của người dân, nên bây giờ không thể đổ cho cơ quan nhà nước. Quy định này đâu phải bây giờ mới có? Nó đã được quy định từ năm 1995, rồi sau đó là nghị định 33, đến nghị định 34 năm 2010 vẫn quy định và nói rất rõ. Không thể đổ thừa là qua nhiều đời chủ rồi giờ tôi không thực hiện được. Không chứng minh được thì phải chịu, và chịu bằng cách phương tiện phải đắp chiếu, khi nào sang tên được mới lưu hành.
Tuy nhiên, đó là tôi nói cách hiểu bước đầu thôi, còn nếu những trường hợp như thế mà nhiều, phổ biến thì phải tìm cách tháo gỡ cho dân, chứ không bỏ mặc dân được. Còn khi phổ biến, thì tháo gỡ ra sao? Khi đó các cơ quan chức năng sẽ tính rồi báo cáo đề xuất với Chính phủ. Ví dụ có thể giảm bớt thủ tục, hoặc cần một vài ba giấy tờ nào đó là có thể hợp thức hoá người ta là chủ xe để cho phép đi đóng thuế để sang tên, đăng ký lại.
Nghĩa là cũng đã có dự thảo quy định việc này?
Chưa. Phải để xem tình trạng này có phổ biến không đã. Các cơ quan chức năng nắm tình hình đã, nếu là cái phổ biến thì tìm cách tháo gỡ cho dân, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ nếu tình trạng này phổ biến chứ không bỏ mặc dân được.
Dù đây là chủ trương đúng để quản lý được dễ dàng, chặt chẽ nhưng người dân băn khoăn là: xe máy thì giá trị thấp, thậm chí mua cái xe cũ vài ba triệu mà đi sang tên đổi chủ có khi mất cả tiền triệu; còn ôtô thì thuế phí chuyển nhượng cao quá khiến người ta “lách luật” bằng cách viết giấy uỷ quyền chứ không sang tên. Thế nên mong muốn của dân là giảm thuế – phí sang tên đổi chủ, ông nghĩ sao?
Bộ Công an đã tham mưu và có ý kiến với bộ Tài chính làm sao giảm đến mức thấp nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho dân thực hiện việc sang tên đổi chủ, thuận lợi cho việc quản lý chứ quy định này không phải vì mục đích tăng thu! Tôi được biết bộ Tài chính sắp sửa ra văn bản, và chắc mức thuế phí sẽ xuống rất thấp để khuyến khích người dân chuyển đổi.
Cảnh sát giao thông có cơ chế gì để kiểm tra việc sang tên đổi chủ không, ví dụ khi chủ xe mới không sang tên thì cơ quan quản lý đăng ký xe có cách gì để biết?
Theo luật, khi anh bán xe phải thông báo cho cảnh sát giao thông địa phương, qua đó họ nắm được ngày anh bán. Thế nên khi anh chạy quá 30 ngày mà không sang tên, bình thường thì không sao, nhưng khi vi phạm thì cảnh sát giao thông có thể lần tìm lại chủ xe cũ qua thông báo bán xe của chủ cũ với cảnh sát giao thông địa phương, khi đó sẽ biết được chiếc xe đó đã được đổi chủ bao nhiêu ngày rồi. Tất nhiên nhiều vụ mua bán mà chủ xe không tự giác thì công tác hậu kiểm sẽ rất khó, nên nhiều quy định cần tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn tuyên truyền tạo điều kiện để người dân thực hiện.
TRUNG ĐỨC (THỰC HIỆN)
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên nhấn mạnh: nghị định 71 chỉ là sửa đổi mức phạt theo hướng tăng nặng mà thôi. Cụ thể: điều 33, khoản 1, điểm a (nghị định 34 năm 2010) quy định: Phạt tiền từ 100.000 – 200.000 đồng đối với chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự môtô không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Còn nghị định 71 tại điểm e, khoản 3 điều 33 quy định mức phạt tiền tăng lên từ 800.000 – 1.200.000 đồng. Cũng tại điều 33, khoản 4, điểm đ (nghị định 34) quy định mức phạt cho hành vi tương tự đối với ôtô là từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng thì nghị định 71 tại điểm c khoản 6 (điều 33) tăng mức phạt tiền lên đến 6.000.000 – 10.000.000 đồng. |
Theo SGTT