ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG:
TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI BỘ THÁNG 9-2023
I – TÌNH HÌNH THỜI SỰ, CHÍNH TRỊ NỔI BẬT TRONG NƯỚC
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Quốc khánh
Nhân kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945-2/9/2023), sáng 31/8, Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham dự Lễ viếng có: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng…
Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các đồng chí lãnh đạo bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại".
Tiếp đó, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, đường Bắc Sơn, Hà Nội. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ "Đời đời nhớ ơn các Anh hùng Liệt sĩ".
Khai trương “Hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet”
Chiều ngày 09/8/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ khai trương “Hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet”. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, chủ trì Lễ khai trương.
Tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo đã bấm nút, chính thức khai trương “Hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet”, đẩy mạnh một bước tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện, nâng cao lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở nói riêng và cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng, hệ thống chính trị nói chung.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạng, thực tiễn cách mạng cũng như quá trình phát triển của đất nước cho thấy công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị cần phải được quan tâm, đẩy mạnh đổi mới về nội dung, hình thức theo hướng chủ động, kịp thời, kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương thức giáo dục truyền thống và giáo dục hiện đại trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin, truyền thông, nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo đảm sự thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Để Hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet đi vào vận hành hiệu lực, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần lưu ý một số vấn đề: Cần nhận thức sâu sắc việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet là một xu hướng tất yếu, khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng. Kiến thức lý luận chính trị đưa vào phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật phải phù hợp với đối tượng, phục vụ hiệu quả mục tiêu làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng, tạo sự đồng thuận trong Đảng và xã hội; Khai thác tối ưu các thành tựu công nghệ trong ứng dụng thí điểm Hệ thống; phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác học tập lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên; lấy kết quả việc phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Bên cạnh đó, cần tích cực đóng góp ý kiến để Ban Tuyên giáo Trung ương bổ sung, hoàn thiện Hệ thống thí điểm, làm cơ sở đề xuất Bộ Chính trị cho phép triển khai đại trà…
II - TIN HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG ỦY KHỐI VÀ CƠ SỞ
Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương tổng kết Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác đảng năm 2023
Ngày 29/8, tại Thanh Hoá, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã bế mạc Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác đảng năm 2023. Sau 07 ngày (từ 21/8/2023 - 29/8/2023) trao đổi, học tập nghiêm túc, Hội nghị đã hoàn thành nội dung chương trình đề ra. Đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối dự và phát biểu tại Hội nghị.
Báo cáo tổng kết công tác tổ chức Hội nghị, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Đảng ủy Khối cho biết, triển khai thực hiện Quy định số 60-QĐ/TW, ngày 08/3/2022 và Quy định số 87-QĐ/TW, ngày 28/10/2022 của Ban Bí thư, nhiều đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối đã thực hiện kiện toàn tổ chức đảng theo mô hình toàn doanh nghiệp, hoặc tiếp nhận thêm nhiều tổ chức đảng ở địa phương về trực thuộc đảng bộ công ty mẹ của tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng; các đảng ủy cấp trên cơ sở doanh nghiệp thuộc Khối tái lập các ban tham mưu giúp việc cấp ủy (ban tuyên giáo, ban tổ chức, cơ quan UBKT, văn phòng) và bố trí cán bộ làm chuyên trách công tác đảng. Vì vậy, công tác tập huấn nghiệp vụ tăng cường về nội dung, thời gian tập huấn. Đối tượng triệu tập dự tập huấn rộng, với số lượng tham dự trên 1.200 lượt đại biểu là đại diện thường trực đảng ủy, các ủy viên UBKT đảng ủy, lãnh đạo và chuyên viên các cơ quan tham mưu giúp viêc đảng ủy cấp trên cơ sở và cán bộ tham mưu công tác đảng của đảng ủy cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối; cán bộ chuyên trách công tác đảng của các đảng ủy cơ sở được thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở trong Đảng bộ Khối; đại diện ban chỉ đạo 35, ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các đảng ủy trực thuộc; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội của các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối; lãnh đạo, chuyên viên các ban, đơn vị Cơ quan Đảng ủy Khối.
Nội dung chương trình tập huấn được Thường trực Đảng ủy Khối quan tâm chỉ đạo xây dựng theo hướng bảo đảm thiết thực, sát với yêu cầu thực tiễn đội ngũ cán bộ trong Khối; tập trung bồi dưỡng có hệ thống về kiến thức các mặt công tác đảng; triển khai các quy chế, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Đảng ủy Khối; trao đổi xử lý tình huống, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Tham gia Hội nghị lần này, các học viên đã được 16 đồng chí báo cáo viên là lãnh đạo cấp vụ của Cơ quan UBKT Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và lãnh đạo các ban, đơn vị của Đảng ủy Khối với kiến thức lý luận và thực tiễn sâu sắc, phong phú và với sự nhiệt tình, trách nhiệm đã truyền đạt nội dung của 19 chuyên đề, nhóm chuyên đề nhằm củng cố, cập nhật, bổ sung nội dung các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Đảng ủy Khối; trao đổi kỹ năng nghiệp vụ, xử lý tình huống trong công tác tuyên giáo, dân vận, kiểm tra giám sát, văn phòng cấp ủy và tổ chức xây dựng Đảng.
Thông qua nội dung các chuyên đề tập huấn và trao đổi, giải đáp các câu hỏi tình huống, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn ở cơ sở đã giúp cho cán bộ, chuyên viên làm công tác đảng của các đảng ủy trực thuộc hiểu sâu sắc hơn các nội dung quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Đảng ủy Khối về các mặt công tác xây dựng Đảng, tạo sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện; đồng thời, nhận thức rõ hơn những vấn đề mới đang đặt ra đối với công tác xây dựng Đảng, xác định rõ trách nhiệm trên cương vị công tác hiện tại và vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm được truyền đạt vào phục vụ tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác được giao của mỗi cán bộ, chuyên viên.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng uỷ Khối đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tham gia tập huấn đầy đủ và thái độ học tập nghiêm túc của các đồng chí học viên trong suốt thời gian tập huấn. Đồng chí nhấn mạnh, tập huấn triển khai các văn bản của Trung ương, của Đảng ủy Khối và và kiến thức, kỹ năng công tác đảng cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên làm công tác xây dựng Đảng là việc làm được Đảng ủy Khối tổ chức thường xuyên hằng năm. Tuy nhiên, các đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng ủy Khối vừa tái lập các ban tham mưu giúp việc cấp ủy và bố trí cán bộ làm chuyên trách công tác đảng theo Quy định 87-QĐ/TW của Ban Bí thư, thì công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ, chuyên viên làm công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ Khối (chuyên trách, bán chuyên trách) càng cần được quan tâm, tăng cường cả về nội dung và thời gian.
Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Đảng ủy Khối, đồng chí Nguyễn Long Hải đề nghị các đảng ủy trực thuộc sau Hội nghị này cần tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các mặt công tác tại đơn vị; trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng; tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát; dân vận và các tổ chức chính trị - xã hội; công tác phòng, chống lãng phí, tiêu cực…
Đối với công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong doanh nghiệp, đồng chí yêu cầu các đảng uỷ doanh nghiệp trực thuộc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế-xã hội.
Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các chiến lược, kế hoạch, đề án quan trọng, điều lệ tổ chức hoạt động để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện: Chiến lược, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2021-2025; đề án cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2021-2025; sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động phù hợp với các quy định pháp luật mới được ban hành. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK, ngày 7/6/2021 của Đảng ủy Khối về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chú trọng nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; chuyển đổi mạnh sang kinh tế số.
Đồng chí lưu ý, các đảng ủy doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án lớn, đã có vốn đầu tư; chủ động đề xuất để khắc phục, xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, chậm tiến độ. Thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực chuyên môn, về năng lực quản trị; bố trí, sắp xếp lao động hợp lý, bảo đảm duy trì đời sống, việc làm cho người lao động.
Hội nghị Ban Chấp hành và cán bộ chủ chốt giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV
Ngày 10/8, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành và Hội nghị cán bộ chủ chốt lấy ý kiến giới thiệu nhân sự quy hoạch Uỷ viên chính thức và Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Bí thư Đảng uỷ Khối cho biết: Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc hệ trọng của Đảng. Những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta rất chú trọng làm tốt công tác quy hoạch cán bộ. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TW, ngày 07/7/2023 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031 (gọi tắt là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược); đồng thời quyết định lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Ngày 17/7/2023, Ban Chỉ đạo có Công văn số 70-CV/BCĐ thông báo về số lượng nhân sự Đảng bộ Khối được phát hiện, giới thiệu quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; đồng thời nhấn mạnh một số yêu cầu của việc giới thiệu nhân sự quy hoạch cấp chiến lược.
"Theo quy định, việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối trong việc phát hiện, lựa chọn, giới thiệu nhân sự. Nhân sự giới thiệu bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu, đối tượng, quy trình theo Kế hoạch số 17-KH/TW của Bộ Chính trị và Công văn số 70-CV/BCĐ của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Trung ương; gắn kết, liên thông với quy hoạch cấp ủy Khối nhiệm kỳ 2025 - 2030; có cơ cấu hài hòa giữa nguồn cán bộ tại Cơ quan Đảng ủy Khối và nguồn cán bộ tại các tập đoàn, tổng công ty, đơn vị trong Khối; không vì số lượng, cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Quá trình thực hiện công tác giới thiệu quy hoạch đảm bảo quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, để phát hiện, giới thiệu đưa vào quy hoạch những cán bộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; góp phần chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đại hội XIV của Đảng", đồng chí Nguyễn Long Hải nhấn mạnh.
"Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và nhận thức rõ vinh dự cùng với trách nhiệm của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã chỉ đạo Ban Tổ chức và các ban, đơn vị tham mưu xây dựng Kế hoạch số 99-KH/ĐUK, ngày 08/8/2023 về việc triển khai quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2026 - 2031 ở Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương", đồng chí Nguyễn Long Hải nêu rõ.
Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đề nghị, các đồng chí cán bộ chủ chốt Đảng ủy Khối, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, công tâm, khách quan giới thiệu các đồng chí đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị quy hoạch Ủy viên chính thức và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Trưởng Ban Tổ chức Đảng uỷ Khối trình bày báo cáo về việc lấy ý kiến giới thiệu nhân sự quy hoạch; phổ biến tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng cũng như danh sách nhân sự được giới thiệu quy hoạch để Hội nghị cùng thảo luận, cho ý kiến.
Trên cơ sở đó, các đồng chí cán bộ chủ chốt, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Ủy viên chính thức và Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031. Kết quả kiểm phiếu qua các bước của các hội nghị sẽ là cơ sở để Ban Thường vụ Đảng ủy Khối tiếp tục thực hiện bước quy trình tiếp theo và báo cáo Trung ương theo quy định.
Hội nghị lần thứ 16, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối, nhiệm kỳ 2020 - 2025
Ngày 18/8/2023, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ 16. Đồng chí Phan Công Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối chủ trì Hội nghị.
Hội nghị xem xét, kết luận một số nội dung, cụ thể: Đối với nội dung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng và đảng viên của Đảng bộ Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng HUD4 (HUD4), trực thuộc Đảng bộ Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị. Sau khi nghe Đoàn Kiểm tra số 30 của UBKT Đảng ủy Khối báo cáo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy HUD4 và 02 đảng viên của Đảng bộ HUD4, UBKT Đảng ủy Khối đã thảo luận, xem xét, kết luận Đảng ủy HUD4 có khuyết điểm, vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và chấp hành quy chế làm việc của Đảng ủy từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến 31/12/2022 và Dự án khu đô thị sinh thái dọc hai bờ Sông Đơ từ tháng 4/2012 đến 31/12/2022; một số đảng viên được kiểm tra có khuyết điểm, vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
UBKT Đảng ủy Khối yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đối với Đảng ủy Công ty HUD4; xây dựng kế hoạch thực hiện quy trình xử lý kỷ luật đối với các đảng viên có liên quan. Chỉ đạo Đảng ủy HUD4 xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với tập thể Đảng ủy, HĐQT, Ban Kiểm soát Công ty, xử lý kỷ luật về Đảng và chuyên môn đối với các cá nhân có liên quan; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các chi bộ trực thuộc trong việc chấp hành chế độ sinh hoạt đảng. Đoàn Kiểm tra số 30 theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện, báo cáo kết quả với UBKT Đảng ủy Khối.
Về việc giám sát chuyên đề đối với Đảng ủy và đồng chí Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, sau khi nghe Đoàn Giám sát số 35 của UBKT Đảng ủy Khối báo cáo, UBKT Đảng ủy Khối thảo luận và thống nhất kết luận: Bên cạnh những ưu điểm, Đảng ủy và đồng chí Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam còn có một số hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ theo nội dung giám sát; UBKT Đảng ủy Khối yêu cầu Đảng ủy Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam rút kinh nghiệm những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra. Yêu cầu Đoàn Giám sát số 35 tiếp thu các ý kiến tham gia của Ủy viên UBKT, bổ sung báo cáo một số nội dung trình Thường trực UBKT xem xét, trường hợp cần thiết thì xin ý kiến UBKT Đảng ủy Khối.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Kế hoạch của UBKT về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản. Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Khối đề nghị các đồng chí Ủy viên UBKT tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến trực tiếp vào dự thảo văn bản và gửi về Cơ quan UBKT trước ngày 25/8/2023; giao Thường trực UBKT Đảng ủy Khối chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện ký ban hành.
Bên cạnh đó, UBKT Đảng ủy Khối yêu cầu UBKT các đảng ủy trực thuộc chủ động tham mưu cấp ủy cùng cấp triển khai thực hiện hoàn thành chương trình kiểm tra, giám sát năm 2023 của cấp ủy và UBKT.
Đảng uỷ Tổng công ty Viễn thông MobiFone tổ chức kết nạp đảng và phát thẻ đảng viên năm 2023
Ngày 08/8, tại Khu di tích Hồ Chí Minh (Phủ Chủ tịch), Đảng uỷ Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã tổ chức Lễ kết nạp đảng và phát thẻ đảng viên năm 2023. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng nhằm chào mừng Kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng 8 thành công (19/8/1945 – 19/8/2023) và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tại buổi Lễ, thay mặt Đảng uỷ Tổng công ty, đồng chí Nguyễn Quang Tiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ đã trao Quyết định kết nạp Đảng cho 17 đảng viên mới; trao Quyết định công nhận đảng viên chính thức cho 4 đảng viên dự bị và phát thẻ đảng viên cho 30 đồng chí.
Dưới cờ Tổ quốc, cờ Đảng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đảng viên mới được kết nạp đã tuyên thệ thể hiện rõ quyết tâm, quan điểm tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực.
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Quang Tiến chúc mừng các đồng chí đảng viên mới đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của đảng, đồng thời bày tỏ mong muốn các đồng chí đảng viên sẽ tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm trong việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, học tập, nâng cao nhận thức chính trị và năng lực chuyên môn, góp phần xây dựng Chi bộ, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên, đặc biệt là thực hiện tốt quy định về những điều Đảng viên không được làm.
Đồng chí nhấn mạnh công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên và có ý nghĩa rất quan trọng của Đảng bộ Tổng công ty MobiFone, góp phần phát triển, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng nói chung và của cá nhân đảng viên nói riêng; hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty Viễn thông MobiFone lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Đồng chí đề nghị các đồng chí lãnh đạo cấp uỷ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và phân công đồng chí đảng viên chính thức trong Chi bộ tiếp tục giúp đỡ, chăm lo, bồi dưỡng cho các đồng chí đảng viên mới trong thời gian 12 tháng dự bị; để các đồng chí đảng viên mới phát huy tinh thần đoàn kết, giữ vững bản lĩnh chính trị, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trước đó, cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Tổng công ty MobiFone đã dâng hương, tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch và xem thước phim đầy xúc động về những ngày tháng cuối cùng của Người.
BIDV và LSP ký kết hợp đồng tín dụng hạn mức 200 triệu USD
Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV Ba Tháng Hai được giao ủy quyền) và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã ký kết Hợp đồng tín dụng hạn mức 200 triệu USD.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD được đầu tư bởi Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP), một trong những công ty con của Tập đoàn SCG Chemicals (SCGC) - Tập đoàn hoá dầu hàng đầu ASEAN. Dự án được ứng dụng các công nghệ hiện đại với mức độ tự động hóa, số hóa cao và có ý nghĩa kinh tế xã hội sâu sắc. Đây là minh chứng tiêu biểu cho sự hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan. Từ năm 2021, BIDV và LSP đã tích cực hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. BIDV không chỉ tài trợ vốn lưu động ngắn hạn mà còn triển khai sản phẩm dịch vụ ngân hàng đa dạng, hiện đại, ứng dụng công nghệ, số hóa cao như: thu hộ qua tài khoản định danh, kết nối ERP.
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long cho biết: Lễ ký kết này khẳng định quyết tâm của BIDV và LSP nhằm hiện thực hóa mục tiêu LSP sẽ trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh hạt nhựa hàng đầu trong nước và khu vực. Với vị thế và kinh nghiệm của ngân hàng lâu đời nhất Việt Nam, BIDV sẽ đồng hành cùng LSP và Tập đoàn SCG tại Việt Nam trong việc triển khai các dự án hiện tại và tương lai; đồng thời củng cố và xây dựng mối quan hệ hợp tác đối tác hiệu quả giữa BIDV và LSP.
Agribank dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng
Với mong muốn hỗ trợ ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, nhà ở. Đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với đa dạng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)
Chương trình áp dụng đối với khách hàng SME nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Lãi suất ưu đãi của chương trình giảm đến 0,7%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, tùy theo từng kỳ hạn. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi hết ngân sách của chương trình. Khi tham gia chương trình, các doanh nghiệp không chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi mà còn được tư vấn sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ thanh toán và quản lý dòng tiền, dịch vụ Thẻ, dịch vụ Thanh toán quốc tế, Mua bán ngoại tệ,… nhằm đồng bộ giải pháp tài chính, tối ưu các hoạt động thanh toán và giảm chi phí sử dụng các dịch vụ ngân hàng.
Chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu
Đối tượng áp dụng của chương trình là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu, nhập khẩu (xuất khẩu gạo, thịt, thuỷ sản, cà phê, nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…; nhập khẩu đồ uống, phân bón, máy móc thiệt bị, xăng dầu, hoá mỹ phẩm, vật liệu xây dựng…). Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 và áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn với phương thức cho vay đa dạng phù hợp với nhu cầu vốn lưu động của từng doanh nghiệp tham gia chương trình.
Lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn. Ngoài ưu đãi về lãi suất, các khách hàng tham gia chương trình còn được hưởng ưu đãi hấp dẫn về tỷ giá mua bán ngoại tệ, phí dịch vụ.
Chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản
Đối tượng vay vốn theo chương trình là pháp nhân, cá nhân có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản (lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản lâm sản) và thủy sản (khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản thủy sản). Thời gian triển khai chương trình kéo dài đến hết ngày 30/6/2024 và có thể kết thúc sớm hơn khi giải ngân đủ ngân sách. Lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, khách hàng tham gia chương trình được giảm phí dịch vụ với mức giảm tối đa đến 50% đối với các loại phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại (phí phát hành L/C nhập khẩu, phí thông báo L/C xuất khẩu, phí ký hậu vận đơn đường biển, phí thanh toán L/C xuất khẩu…) và miễn, giảm một số loại phí dịch vụ khác.
Chương trình cho vay tiêu dùng dành cho CBCNV ngành Y tế
Nhằm tri ân tới cán bộ, công nhân viên ngành Y tế và đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng cũng như sử dụng dịch vụ thanh toán, Agribank triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi dành cho CBCNV ngành Y tế. Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn đến 1,5%/năm so với lãi suất hiện hành, tùy từng thời hạn vay. Thời gian triển khai áp dụng đối với các khoản giải ngân phát sinh từ nay đến hết ngày 01/12/2023 hoặc đến khi hết quy mô chương trình.
Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước
Đối tượng áp dụng của chương trình là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có nhu cầu vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống gồm: Mua nhà ở, đất ở, xây mới/cải tạo; sửa chữa nhà để ở; mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu (tivi, máy giặt, tủ lạnh, điều hòa,…); phương tiện đi lại (ô tô, xe máy) và các mục đích tiêu dùng khác theo quy định hiện hành của Agribank.
Lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn từ 1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank đối với khách hàng đã sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank nơi cho vay. Đối với khách hàng chưa sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank nơi cho vay thì lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1,0%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank. Chương trình được triển khai cho các khoản vay ngắn, trung và dài hạn (thời hạn cho vay không vượt quá thời gian công tác còn lại của khách hàng) được áp dụng từ nay đến hết ngày 12/6/2024.
Bên cạnh các chương trình tín dụng ưu đãi, Agribank còn tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP; chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP; triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của NHNN. Hơn nữa, trong năm 2023, Agribank đã liên tục chủ động giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng từ nguồn tài chính của Agribank, như 7 lần giảm lãi suất cho vay và chú trọng tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng; điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn; điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất đối với các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VNĐ tại Agribank với thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023 đến hết ngày 30/9/2023.
Vietnam Airlines đạt Thương hiệu hàng không giá trị nhất Việt Nam
Tại diễn đàn “Brand Finance - Mibrand Vietnam Forum 2023” và lễ công bố Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, Vietnam Airlines (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) được trao chứng nhận ở hai hạng mục gồm “Thương hiệu hàng không giá trị nhất Việt Nam” và “Top 5 doanh nghiệp tăng trưởng sức mạnh toàn ngành”.
Sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2015 cho đến nay nhằm tôn vinh các doanh nghiệp trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất. Theo đánh giá của Brand Finance, Vietnam Airlines đã nhiều năm liền nằm trong top những thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam. Năm 2023, ngoài việc đứng trong Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, Vietnam Airlines còn là “Thương hiệu Hàng không giá trị nhất Việt Nam” và vào “Top 5 doanh nghiệp tăng trưởng sức mạnh thương hiệu toàn ngành”.
Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Brand Finance dựa trên dữ liệu nghiên cứu thị trường nhằm mục đích tìm kiếm và tôn vinh các thương hiệu giá trị nhất Việt Nam cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ hơn và hiểu thêm tầm quan trọng của phát triển thương hiệu theo hướng bền vững đối với doanh nghiệp.
Tại sự kiện, Top 100 doanh nghiệp có thương hiệu giá trị nhất Việt Nam được trao chứng nhận chính thức về thứ hạng, giá trị thương hiệu quốc gia và chỉ số sức mạnh thương hiệu BSI (Brand strength index).
Mang trên mình sứ mệnh của Hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines không chỉ được khách hàng đánh giá cao bởi dịch vụ chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế, mà còn được yêu mến nhờ nỗ lực thực hiện thành công các nhiệm vụ quốc gia, xã hội, vì lợi ích của cộng đồng.
Trước đó, năm 2022, Vietnam Airlines liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng ở cả trong nước và quốc tế, ghi nhận những cố gắng không ngừng nghỉ của Hãng như: “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa”, “Hãng hàng không hàng đầu châu Á về hạng ghế Phổ thông”, “Thương hiệu hàng không hàng đầu châu Á”, của World Travel Awards 2022; doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 do Bộ Công Thương và Hội đồng Thương hiệu quốc gia vinh danh… Đặc biệt tháng 05/2023, Vietnam Airlines vào top 20 hãng bay tốt nhất thế giới theo công bố của AirlineRatings.
Được vinh danh tại các giải thưởng và xếp hạng uy tín một lần nữa khẳng định vị thế của Hãng hàng không quốc tế 4 sao, nắm giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển chung của ngành vận tải hàng không Việt Nam, đồng thời đánh dấu sức phát triển mạnh mẽ của thương hiệu Vietnam Airlines trong năm 2023.
Vietcombank triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay lần 3 năm 2023
Trong năm 2023, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã triển khai 02 chính sách giảm lãi suất cho vay để tri ân khách hàng chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. Các chính sách triển khai được các khách hàng đón nhận và đánh giá cao, thể hiện vai trò của Vietcombank trong việc đồng hành cùng khách hàng phục hồi và phát triển.
Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, đồng thời hỗ trợ các khách hàng đã đồng hành cùng Vietcombank trong suốt thời gian qua, Vietcombank triển khai “Chính sách giảm lãi suất cho vay tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Theo đó, Vietcombank quyết định triển khai giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 05 tháng từ ngày 01/08/2023 đến hết ngày 31/12/2023 (không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá, thấu chi…).
Vietcombank tin rằng đây sẽ là hành động thiết thực, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của Vietcombank trong việc thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và ngân hàng Nhà nước vì mục tiêu chung hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hội nghị công bố Quyết định thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở đối với Đảng ủy cơ sở thuộc Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Ngày 15/8, tại Phú Thọ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã công bố Quyết định thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở đối với 03 đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, gồm: Đảng bộ Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam; Đảng bộ Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Đảng bộ Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Thực hiện Quy định số 113-QĐ/TW ngày 10/7/2023 của Ban Bí thư về thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Thay mặt Đảng ủy Khối DNTW, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Đảng ủy Khối đã công bố các quyết định, cụ thể: Quyết định số 1437-QĐ/ĐUK, ngày 8/8/2023 của Đảng ủy Khối DNTW về giao quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Quyết định số 1435-QĐ/ĐUK, ngày 8/8/2023 của Đảng ủy Khối DNTW về giao quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Quyết định số 1438-QĐ/ĐUK, ngày 8/8/2023 của Đảng ủy Khối DNTW về giao quyền cấp trên cơ sở cho Đảng ủy Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đức Phong, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối DNTW chúc mừng 03 Đảng bộ thuộc Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nhận Quyết định thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở. Đồng chí cũng mong rằng các đảng bộ sẽ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng chí yêu cầu Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luôn sát sao, giúp đỡ các đảng bộ để các đảng bộ hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng.
Đồng chí cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đảng bộ có ý kiến bằng văn bản với Đảng bộ Tập đoàn, gửi về Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương để tổng hợp, báo cáo với Ban Tổ chức Trung ương. Đồng chí cũng đề nghị, các đảng bộ khi hoạt động tại địa phương cần trao đổi, phối hợp thật tốt với địa phương để giữa khối Đảng, khối Trung ương và địa phương luôn có sự gắn kết, theo đúng quy định.
Thay mặt cho 3 đảng ủy được thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở, đồng chí Phạm Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp trên và hứa trong thời gian tới, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ các đơn vị sẽ tiếp tục kiện toàn, sắp xếp lại, nâng cao chất lượng của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Công ty; rà soát, cập nhật các quy định, hướng dẫn của Trung ương, Đảng ủy Khối và Đảng ủy Tập đoàn; chủ động, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy; lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc hoàn thành các nhiệm vụ được giao góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp và của Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp.
Petrovietnam hoàn thành kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước cả năm 2023
Trong 7 tháng đầu năm 2023, vượt qua những khó khăn, thách thức lớn của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã xuất sắc hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm 2023 ở chỉ tiêu nộp ngân sách Nhà nước, về đích trước kế hoạch 5 tháng.
Cùng với việc tích cực, quyết liệt triển khai các giải pháp quản trị điều hành phù hợp, kịp thời với diễn biến thị trường theo phương châm “Quản trị biến động, mở rộng quy mô, tăng tốc chuyển đổi số, dịch chuyển mô hình, nâng cao năng suất, tái tạo kinh doanh”, trong 7 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trong toàn Petrovietnam được đảm bảo an toàn, ổn định, hiệu quả cao. Các chỉ tiêu sản xuất đều vượt kế hoạch và ở mức cao, cung cấp ổn định, tối đa các sản phẩm chiến lược: khí, điện, đạm, xăng dầu,… cho đời sống và sản xuất.
Petrovietnam cũng hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu tài chính qua các tháng, các quý, ghi nhận kết quả đạt được tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu cũng như tình trạng xuất khẩu kém và đầu tư, tiêu dùng thấp. Trong đó, nộp NSNN toàn Tập đoàn tháng 7/2023 đạt 12,2 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 2,0 lần kế hoạch (KH) tháng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, nộp NSNN toàn Tập đoàn đạt 78,31 nghìn tỷ đồng, vượt 62% KH 7 tháng và đạt 100,02% KH năm 2023. Như vậy, nộp NSNN toàn Petrovietnam đã hoàn thành kế hoạch cả năm 2023 trước 5 tháng.
Những kết quả đạt được của Petrovietnam đã và đang đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và tích cực bù đắp cho khó khăn mà nền kinh tế đất nước đang phải hứng chịu, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP cả năm 2023. Kết quả này cũng là minh chứng thiết thực nhất cho nỗ lực của Petrovietnam trong góp phần thực hiện các mục tiêu chung của đất nước, luôn đặt mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, đặt lợi ích của đất nước lên hàng đầu.
Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm lại Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam
Ngày 03/8, tại Hà Nội, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm lại Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty.
Theo đó, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trao Quyết định số 389/QĐ-UBQLV về việc bổ nhiệm lại có thời hạn, nhiệm kỳ 5 năm đối với đồng chí Hồ Lê Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Thời hạn bổ nhiệm lại tính từ ngày 1/9/2023.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh chúc mừng và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam và ghi nhận đóng góp của cá nhân đồng chí Hồ Lê Nghĩa.
Đồng chí cho biết, giai đoạn từ 2018 đến nay, tình hình trong nước và quốc tế chứng kiến nhiều biến động chưa từng có, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đặt ra nhiều thách thức đối với các doanh nghiệp. Đồng chí đề nghị, thời gian tới, xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, vì vậy Tổng công ty phải bắt kịp với xu thế thời đại, tìm tòi nghiên cứu sản phẩm mới phù hợp với quy định pháp luật và giảm tác hại đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Hồ Lê Nghĩa cho biết, nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Tổng công ty đối mặt nhiều khó khăn. Có thể kể đến như: giá nguyên phụ liệu tăng nhanh và cao; áp lực giảm tiêu dùng từ việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt; cạnh tranh thực sự khốc liệt bằng công cụ giá và hỗ trợ giá của các đối thủ cạnh tranh; thuốc lá nhập lậu ngày càng diễn tiến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, thị trường cơ bản đã được lấp đầy với các phân khúc sản phẩm. Dù vậy, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Sản lượng nội tiêu tăng trưởng bình quân 1,5% mỗi năm; nộp ngân sách tăng trưởng 5,7% mỗi năm, đạt tới gần 14.000 tỷ đồng năm 2022, cao nhất trong lịch sử gần 40 năm phát triển của Tổng công ty; lợi nhuận tăng đều hàng năm, riêng năn 2022 đạt 1.550 tỷ đồng.
Đồng chí Hồ Lê Nghĩa cho biết thêm, theo dự báo và đánh giá của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, 5 năm tới ngành thuốc lá chắc sẽ còn thêm nhiều thách thức và khó khăn. Vì vậy, Tổng công ty cần có những điều chỉnh chiến lược và có những điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng bối cảnh cụ thể.
Đồng chí mong rằng, Ban lãnh đạo Tổng công ty cùng các công ty thành viên và toàn thể người lao động Vinataba tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, sáng tạo và linh hoạt hơn nữa để khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
III - TIN THAM KHẢO
Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài
Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt bởi Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Mục tiêu tổng quát là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học xã hội; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số... Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Mục tiêu cụ thể là, đến hết tháng 6 năm 2024, đạt 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế. Đến năm 2025, thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới. Mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm. Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 05 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030, để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.
Các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược: Khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài. Việc tìm kiếm nhân tài nhằm phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước được tiến hành trong các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và tập trung vào bốn nhóm sau: Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo; những người có học vị, học hàm thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ; những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.
Khuyến khích, đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận nhân tài. Phát huy vai trò và trách nhiệm phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các cơ sở giáo dục - đào tạo để sớm phát hiện tài năng trẻ là học sinh, sinh viên.
Nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài. Nâng cao năng lực bồi dưỡng nhân tài của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Phát triển mạnh một vài đại học điểm của Việt Nam thành trường hàng đầu khu vực. Tập hợp, phát triển đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao ở trong và ngoài nước; chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam.
Có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham gia vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài có uy tín cao trên thế giới để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo nhu cầu và các chuẩn mực của khu vực, quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi về các điều kiện học tập, nghiên cứu, môi trường cọ sát, thử thách, rèn luyện để các tài năng trẻ là học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc có cơ hội phát huy năng lực, sở trường. Tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học xã hội và các lĩnh vực trọng điểm khác thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát; điều hành cân bằng hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, giữa lạm phát và tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15 nghìn tỷ đồng cho ngành sản xuất đồ gỗ, thủy sản.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tiền tệ, ngân hàng, trong đó hoàn thiện dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung đúng tiến độ, chất lượng theo tinh thần bám sát vào thực tiễn và lấy ý kiến tham gia đầy đủ của các đối tượng điều chỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định trách nhiệm rõ ràng và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, bổ sung các quy định, công cụ để kiểm soát. Nghiên cứu luật hóa mối quan hệ giữa ngân hàng và người đi vay, quyền đòi nợ để nâng cao trách nhiệm người đi vay. Rà soát toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, không để sơ hở, trục lợi, khoảng trống pháp lý gây mất an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tập trung điều hành tăng trưởng tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm, có kiểm soát, tuân thủ quy luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15 nghìn tỷ đồng cho ngành sản xuất đồ gỗ, thủy sản. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm chi tiêu, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ. Tiếp tục điều hành ổn định thị trường ngoại hối, ổn định giá trị đồng Việt Nam; nghiên cứu thực tiễn điều hành trong thời gian vừa qua để rút ra các bài học kinh nghiệm, phát huy hiệu quả hơn nữa các kết quả đã đạt được.
Khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 08/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 của Quốc hội, hạn chế nợ xấu phát sinh.
Đổi mới toàn diện và tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát theo hướng tăng cường thiết kế công cụ, đổi mới phương pháp thực hiện, hoàn thiện bộ máy, cơ cấu tổ chức đáp ứng được yêu cầu đề ra, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, cảnh báo, phòng ngừa từ sớm, từ xa; thanh tra, kiểm tra để phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm lành mạnh, đúng quy định, không hình sự hóa quan hệ dân sự và kinh tế, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể có liên quan theo pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số, nhất là thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong lĩnh vực ngân hàng.
Đẩy mạnh công bố công khai, minh bạch thông tin, nhất là kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố các chính sách, quy định, giải pháp mới của nhà nước để người dân, doanh nghiệp, xã hội có thông tin chính xác, chính thống nhằm ổn định tâm lý, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu độc, xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, sai lệch, xuyên tạc, gây tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng.
Phối hợp thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững; tiếp tục hoàn thiện các khung khổ pháp lý, có công cụ kiểm soát rủi ro, nghiên cứu phân biệt giữa trái phiếu phát hành bởi các tổ chức kinh tế và các định chế để có cơ chế quản lý phù hợp; tạo lập kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên thông giữa thị trường tiền tệ, tín dụng với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản
Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt bởi Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, trừ các loại khoáng sản là dầu khí, than đá, than bùn, quặng phóng xạ (urani, thori, ...) khoáng sản làm vật liệu xây dựng và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Ranh giới quy hoạch là khu vực phân bố khoáng sản và chế biến khoáng sản trên diện tích đất liền của cả nước.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới. Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô - xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững. Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.
Khoáng sản bô - xít, việc thăm dò, khai thác phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu ra đến sản phẩm alumin); lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò và khai thác phải đủ năng lực thực hiện đồng bộ các dự án từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường, đặc biệt cần lưu ý phương án thải và xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả. Khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để tái chế bùn đỏ. Các dự án sản xuất nhôm mới bằng công nghệ điện phân phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, trong đó khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
Với khoáng sản titan, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan với lộ trình và quy mô hợp lý phù hợp với từng giai đoạn, từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ - tuyển, cụm công nghiệp chế biến khoáng sản titan đồng bộ với hạ tầng. Các dự án titan ven biển có giải pháp đảm bảo cân đối nguồn nước cho sản xuất và nhu cầu dân sinh, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư khai thác, chế biến titan đồng bộ với các sản phẩm chế biến sâu.
Phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản suất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ. Khai thác quặng niken, đồng, vàng phải đi kèm dự án đầu tư chế biến một cách đồng bộ, hiệu quả, bền vững và thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm và đảm bảo môi trường. Khai thác crômit phải có dự án khai thác, chế biến thu hồi tối đa các khoáng sản đi kèm niken, coban, bentonit.
Nghiên cứu cấp phép thăm dò, khai thác quặng sắt cho các đơn vị có kinh nghiệm, năng lực về chế biến, khai thác quặng sắt để chế biến khoáng sản limolit, hematit, sắt nghèo, khoáng sản sắt laterit vùng Tây Nguyên, quặng sắt trong cả nước tạo ra sản phẩm quặng sắt chất lượng để sử dụng cho lò cao của các cơ sở gang thép trong nước. Phát huy tối đa nội lực, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ ứng dụng tuyển apatit loại II, loại IV và nghèo, sản xuất thuốc tuyển. Tập trung đẩy mạnh đầu tư khai thác, tuyển, chế biến apatit loại II, loại IV nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên. Đối với những khoáng sản khác như đồng, vàng, chì, kẽm... Quản lý tốt tài nguyên, khai thác, khâu chế biến phải sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, đảm bảo an toàn và môi trường, thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản để đáp ứng nhu cầu trong nước, cấp phép thăm dò, khai thác gắn với địa chỉ chế biến sâu. Các dự án khai thác mỏ, dự án đầu tư chế biến bô - xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng, chì, kẽm, sắt phải được cơ quan quản lý nhà nước về khai thác, chế biến khoáng sản cho ý kiến trước khi cấp phép. Các dự án Quy hoạch thăm dò gắn với dự án quy hoạch khai thác, các dự án khai thác được quy hoạch cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến theo cân đối của nhu cầu thị trường.
Đối với khoáng sản kim loại: Khoáng sản nguyên khai sau khai thác, qua tuyển để làm giàu, tách thành phần (nếu khoáng sản đa kim) thành quặng tinh đạt tiêu chuẩn quy định theo yêu cầu đối với từng công nghệ chế biến để cung cấp cho các dự án/nhà máy chế biến để sản xuất thành các sản phẩm kim loại, hợp kim hoặc sản phẩm trung gian cung cấp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Với khoáng sản bô -xít gipxit khu vực Tây Nguyên, khai thác, tuyển quặng tinh để cung cấp cho các nhà máy sản xuất alumin. Sản phẩm alumin và hydroxit cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy điện phân nhôm, các nhu cầu khác trong nước và xuất khẩu. Khoáng sản bô - xít diaspo khu vực các tỉnh phía Bắc khai thác, tuyển thành quặng tinh cung cấp cho các nhà máy sản xuất đá mài... và giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm xem xét việc xuất khẩu theo đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có mỏ trên cơ sở cân đối cung cầu trong nước.
Đối với sản phẩm chế biến từ quặng đất hiếm: Tổng các (ôxit, hydroxit, muối) đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95% và ôxit đất hiếm riêng rẽ (REO) cung cấp cho nhu cầu trong nước và xem xét xuất khẩu. Đối với khoáng sản phi kim loại, khoáng sản nguyên khai sau khai thác, qua một hoặc nhiều công đoạn như phân loại, nghiền, sàng, tuyển rửa, tuyển hóa... thành các sản phẩm đã được phân loại, làm giàu đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho công đoạn chế biến sâu hơn hoặc nguyên liệu, phụ gia cho các ngành công nghiệp khác trong nước và xuất khẩu.
Đối với khoáng sản là nước khoáng và nước nóng thiên nhiên, khai thác để sản xuất nước khoáng đóng chai, phục vụ cho các cơ sở điều dưỡng, chữa bệnh và du lịch trong nước và nguồn địa nhiệt để sản xuất điện (nếu có) và các lĩnh vực khác. Khoáng sản khai thác và chế biến đáp ứng chủ yếu cho nhu cầu trong nước. Việc xuất khẩu một số khoáng sản/sản phẩm khoáng sản sau chế biến chưa thành kim loại, hợp kim thực hiện theo chủ trương, chính sách pháp luật từng giai đoạn cụ thể và thực hiện chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Các giải pháp thực hiện Quy hoạch, gồm: pháp luật, chính sách; tài chính, đầu tư; khoa học, công nghệ, môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; hợp tác quốc tế; huy động vốn; đáp ứng nguồn nhân lực.
Chính sách, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam
Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt bởi Quyết định số 886/QĐ-TTg, ngày 24/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các nhiệm vụ sau: Tổ chức công bố quy hoạch, tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển đến các tổ chức, cá nhân để tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch, tham gia phát triển kết cấu hạ tầng theo quy hoạch được phê duyệt; cung cấp các dữ liệu quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; triển khai thực hiện lưu trữ Hồ sơ quy hoạch theo quy định; báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch cảng biển theo định kỳ hằng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ Luật Hàng hải 2015 theo lộ trình và theo trình tự, thủ tục quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, sửa đổi các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan tạo thuận lợi cho phát triển, quản lý, sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải. Tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giá, phí tại cảng biển để nâng cao hiệu quả đầu tư cảng biển, tăng tính hấp dẫn đối với các hãng tàu, thu hút hàng container trung chuyển quốc tế, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và các bên liên quan. Rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế chính sách để thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch cảng biển, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng địa phương.
Nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn áp dụng chính sách cảng mở tại Khu bến cảng Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải và Vân Phong. Xây dựng các văn bản quy định, hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng triển khai đầu tư xây dựng cảng biển theo tiêu chí cảng xanh. Hoàn thiện và xây dựng bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về thu hút nguồn vốn, quản lý và sử dụng các nguồn vốn hợp pháp ngoài ngân sách cho phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải theo quy hoạch được phê duyệt.
Lập, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai lập các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành hàng hải, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển để triển khai phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và kết cấu hạ tầng hàng hải liên quan khác trong thực tiễn. Bố trí đủ nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác. Rà soát, thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (đến khi các quy hoạch mới được ban hành) theo quy định của pháp luật về quy hoạch, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, đảm bảo tính đồng bộ, liên tục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ Giao thông vận tải được cấp có thẩm quyền duyệt để thực hiện các dự án. Kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án phát triển hạ tầng cảng biển sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp theo tiến độ quy hoạch được duyệt. Tổng nhu cầu sử dụng đất theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 dự kiến là 33.600ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước đến năm 2030 dự kiến là 606.000ha.
Chính sách và giải pháp thực hiện: Tập trung, bố trí đủ nguồn vốn cho công tác quy hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ chế thu hút, tiếp nhận nguồn lực cho công tác lập quy hoạch từ các tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập quy hoạch để giảm bớt áp lực ngân sách. Cân đối ngân sách, bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng hàng hải công cộng theo lộ trình quy hoạch phát triển cảng biển được phê duyệt, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư cảng biển và các hạ tầng liên quan tại khu vực. Tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để bố trí nguồn lực thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch.
Huy động đa dạng các nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách, nguồn lực trong nước và ngoài nước để thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch. Thể chế hóa các giải pháp huy động, sử dụng nguồn lực để đảm bảo triển khai hiệu quả, khả thi. Tiếp tục tăng cường các mối quan hệ với các tổ chức liên quan thuộc các đối tác chiến lược của Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế.
Có chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt trong công tác quản lý, khai thác hạ tầng cảng biển. Tăng cường hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực hàng hải. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý hàng hải đảm bảo tính kế thừa, liên tục và chất lượng. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu vị trí việc làm của công chức, viên chức. Tạo điều kiện công chức, viên chức tham dự các khóa đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến tại các quốc gia có nền kinh tế hàng hải phát triển cao và khuyến khích nghiên cứu đề tài khoa học phục vụ công tác quản lý chuyên ngành về hàng hải.
IV - VĂN BẢN, QUYẾT ĐỊNH MỚI
Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ
Thực tế cho thấy, việc tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ gây ra những hậu quả rất nặng nề, làm suy giảm năng lực lãnh đạo, mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Những người bất tài, phẩm chất đạo đức kém, khi ngồi vào vị trí quan trọng rất dễ sa vào tội tham nhũng, tiêu cực, gục ngã trước sự lôi kéo của thế lực thù địch, gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tác động đến sự tồn vong của Đảng, chế độ. Hơn nữa, nạn chạy chức, chạy quyền tạo ra một thế hệ cán bộ không chăm trau dồi nghiệp vụ, đạo đức, mà chỉ lo xây dựng “mối quan hệ”, sẵn sàng dùng tiền để giải quyết mọi vấn đề.
Trước thực tế trên, ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thay thế cho Quy định số 205-QĐ/TW. Trong đó có một số nội dung quan trọng sau:
Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, chỉ định, điều động; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Về hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn: Đó là dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ. Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn…
Hành vi chạy chức, chạy quyền được quy định như sau: Môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích khác nhằm mục đích có được sự ủng hộ; chạy tuổi, chạy danh hiệu thi đua, bằng cấp... nhằm đạt đủ tiêu chuẩn, điều kiện để có được chức vụ, quyền lợi; lợi dụng các mối quan hệ thân quen để tác động, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm, nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi…
Các hành vi tiêu cực khác được nêu rõ: Gặp gỡ nhân sự trái quy định, nhũng nhiễu đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự; thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý; làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu; báo cáo lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ không đầy đủ, không trung thực...
Quy định số 114-QĐ/TW nêu trách nhiệm rõ ràng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tham mưu; trách nhiệm của cán bộ tham mưu; trách nhiệm của nhân sự.
Quy định mới phân biệt rõ việc xử lý trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực và trong tham nhũng, tiêu cực về công tác cán bộ. Khi vi phạm về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thì tập thể, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đều phải xử lý nghiêm minh theo quy định, đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý sau: Trường hợp bị khiển trách thì sau ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Trường hợp bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm, sau ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Trường hợp bị cách chức thì sau ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Trường hợp bị khai trừ khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Các trường hợp này đều không được bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra...
Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ là việc khó, nhưng rất quan trọng, góp phần làm cho công tác cán bộ ngày càng thực chất hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới. Việc quán triệt, thực hiện nghiêm Quy định 114-QĐ/TW sẽ tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đây là trách nhiệm không chỉ của từng cấp ủy Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, mà rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia giám sát của Nhân dân.
Kế hoạch số 96-KH/ĐUK về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư
Ngày 18/7/2023, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 96-KH/ĐUK về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Tạp chí điện tử Đảng ủy Khối đăng tải nội dung Kế hoạch tại đây.
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY KHỐI DOANH NGHIỆP TRUNG ƯƠNG