BỆNH VIỆN BƯU ĐIỆN:
Chủ động bảo vệ an toàn, sẵn sàng chia sẻ với tuyến đầu phòng, chống dịch COVID - 19
Chủ động bảo vệ an toàn, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ Bệnh viện Bưu điện (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) tập trung lãnh đạo xuyên suốt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên diện rộng gần hai năm qua. Không chỉ vậy, cán bộ, đảng viên, y bác sĩ thuộc Đảng bộ Bệnh viện còn luôn phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhất những công việc khó khăn, tình nguyện lên đường vào “tâm dịch” TP. Hồ Chí Minh để đóng góp một phần tâm sức, trí lực, “chia lửa” cùng các chiến sĩ áo trắng từng bước đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh.
Đoàn y bác sĩ tình nguyện của Bệnh viện Bưu điện lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19. |
Những ngày khó quên trong “tâm dịch”
Đợt dịch thứ tư do biến chủng Delta bùng phát, số ca nhiễm, số người tử vong do COVID-19 ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam liên tục tăng. Hệ thống y tế tại chỗ quá tải, Ngành Y tế phải huy động tổng lực để chia sẻ, hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch bệnh. Mặc dù không thuộc lực lượng do Bộ Y tế điều động nhưng hơn 100 y bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên y của Bệnh viện Bưu điện (là những cán bộ, đảng viên, đoàn viên ưu tú) đã viết đơn tình nguyện lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch. Cuối tháng 8/2021, đã có 30 y bác sĩ trong số đó đến TP. Hồ Chí Minh để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả này. Gần hai tháng chung sức, đồng lòng cùng các y bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản Trung ương, các y bác sĩ, kỹ thuật viên y của Bệnh viện Bưu điện đã nỗ lực chăm sóc, điều trị, cứu chữa người bệnh, tham gia vận hành hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Bệnh viện Việt Đức thuộc Bệnh viện Dã chiến số 13 (Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh).
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Bưu điên mang theo các trang thiết bị, vật tư y tế tham gia hỗ trợ công tác chống dịch bệnh tại Bệnh viện Dã chiến số 13. |
Đó cũng là khoảng thời gian không thể nào quên đối với mỗi y bác sĩ, mặc dù trước đó họ đã từng đối diện với ba đợt dịch bùng phát, đã được tập huấn và trang bị đầy đủ kiến thức, thông tin về tình hình dịch bệnh phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Những lo lắng, phấp phỏng, áp lực đối với mỗi cán bộ, nhân viên y tế khi phải tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại Bệnh viện trong suốt một thời gian dài, kể cả những lần thành phố Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội vì xuất hiện nhiều ca bệnh dương tính trong cộng đồng… tất cả đều không thấm tháp gì so với những điều họ đã chứng kiến và trải qua tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư này.
TP Hồ Chí Minh vắng lặng những ngày trong "tâm bão". |
Thành phố được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông” - điểm đến trong mơ của rất nhiều người đã đón các y bác sĩ trong vắng lặng, đường phố rất ít bóng người lại qua. Những ngày sau đó là hành trình đều đặn, nghiêm ngặt “một cung đường, hai điểm đến” từ nơi Đoàn ở đến Bệnh viện Dã chiến số 13. Với bác sĩ Nguyễn Hiền Dung - Khoa Khám bệnh II - Bệnh viện Bưu điện và nhiều đồng nghiệp, gần hai tháng có mặt ở Thành phố này là những ngày đêm “vật lộn” tại Khu B - Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 - Bệnh viện Dã chiến số 13; đó là những ngày đêm trải qua bao nhiêu buồn, vui, hồi hộp, lo lắng, thậm chí hoảng sợ… thường trực ngay cả trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Rồi cảm giác cả người ướt đẫm bởi “mưa mồ hôi” mỗi khi khoác trên người trang phục phòng hộ cá nhân cấp độ 4; quen với cả những cơn đau đầu, ù tai bởi tiếng ồn của dòng oxy cao áp, của máy thở, của monitor, cả những cử chỉ ra hiệu, trao đổi cùng đồng đội khi không còn có thể nói to cho nhau nghe thấy…Đó thực sự là những “trải nghiệm” mà trong đời không ai muốn phải lặp lại lần thứ hai.
Trước giờ vào ca trực tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Dã chiến số 13 (Huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh). |
Trong gian khó, càng ngời sáng tình đồng chí, nghĩa đồng bào
Nếu như chưa tận mắt chứng kiến, sẽ không thể diễn tả được mức độ tàn phá và hậu quả khủng khiếp của dịch bệnh gây ra. Hiểu rõ tình hình phức tạp của dịch bệnh, những khó khăn của đồng nghiệp tại các bệnh viện tuyến đầu, đặc biệt là nhu cầu được điều trị, chăm sóc và hỗ trợ của người dân ở nơi tình hình dịch bệnh đang vô cùng căng thẳng, tất cả các y bác sĩ, kỹ thuật viên y Bệnh viện Bưu điện tình nguyện lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh đều mong muốn đóng góp một phần tâm sức, trí lực nhỏ bé của mình tham gia phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, bảo vệ an toàn cho người bệnh và cộng đồng.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Bưu điện tham gia điều trị, chăm sóc, hỗ trợ người bệnh nặng và rất nặng tại Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Dã chiến số 13. |
Công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bưu điện, Bác sĩ Trần Văn Phúc và các đồng nghiệp thường xuyên tiếp xúc, thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân nặng nhưng đây là lần đầu tiên anh chứng kiến, tham gia điều trị, chăm sóc cùng một lúc nhiều bệnh nhân nặng và rất nặng như thế. Bệnh viện Dã chiến số 13 - nơi Đoàn công tác của Bệnh viện Bưu điện làm việc thường tiếp nhận, điều trị khoảng 350 - 400 bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng ở bảy khu nhà điều trị. Nhà N5, nơi bác sĩ Phúc làm việc có khoảng 50 người bệnh, tất cả đều trong tình trạng nặng và rất nặng, phải thở thiết bị oxy dòng cao (HFNC), thở máy không xâm nhập và một số bệnh nhân phải thở máy xâm nhập. Hàng ngày thường xuyên tiếp xúc, điều trị, chứng kiến sự ra đi của không ít người bệnh do COVID-19, bác sĩ Phúc cho biết: “Nhiều trường hợp khiến chúng tôi thật sự bất lực và ám ảnh. Có lần, tôi phải thông báo tin tử vong và giải thích cho người nhà cũng là người bệnh đang điều trị mà rơi nước mắt. Gia đình họ có ba người nhập viện vì COVID-19, cậu con trai và mẹ nằm điều trị tại Nhà N5 nơi tôi làm việc. Người mẹ ngoài 62 tuổi, có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, nhập viện được hai ngày thì phải đặt ống thở và diễn biến xấu, tử vong sau một ngày thở máy. Lúc phải thông báo tin người mẹ tử vong cho cậu con trai, cậu cầm tay chúng tôi và nói, bác sĩ cố gắng cứu mẹ em với, bố em vừa mất mấy ngày, giờ em lại mất mẹ sao, bác sĩ giúp mẹ em với! Anh em đều không cầm được nước mắt. Thật sự lúc đó chúng tôi cảm thấy bất lực trước dịch bệnh quái ác này”.
Lượng bệnh nhân nặng và rất nặng tại Bệnh viện Dã chiến số 13 rất đông nên sự vất vả và áp lực đối với nhân viên y tế cũng tăng lên gấp bội. |
Thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, số lượng người bệnh nhập viện rất đông, các cơ sở y tế đều quá tải, công việc của các y bác sĩ vô cùng vất vả, nhất là trong thời tiết nóng nực, việc thích nghi với trang phục bảo hộ cấp 3, cấp 4 khá khó khăn. Những ngày đầu mới tiếp nhận công việc, một số nữ nhân viên y tế còn bị ngất trong khi đang làm việc, nhiều đồng nghiệp nam cũng phải xin nghỉ giữa ca vì đuối sức, nhưng mọi người đều động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tại các khu vực điều trị người bệnh nặng, mọi sinh hoạt của họ phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên y tế. Cùng với các bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên không nề hà bất cứ việc gì, người bệnh được chăm sóc toàn diện từ cho ăn, lau rửa vệ sinh, thay bỉm, lăn trở giúp họ không bị viêm loét do tỳ đè, nằm lâu một chỗ… Những việc này tuy vất vả nhưng không khó thực hành bởi bình thường khi làm việc tại Bệnh viện Bưu điện, công tác chăm sóc người bệnh toàn diện đã trở thành thường quy. Chỉ khác là lượng bệnh nhân nặng và rất nặng tại Bệnh viện Dã chiến số 13 rất đông nên sự vất vả và áp lực đối với nhân viên y tế tăng lên gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 từ người bệnh luôn thường trực; chỉ một sơ suất nhỏ hay không tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng lây nhiễm là có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của bản thân mình cũng như đồng nghiệp.
Đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế luôn chạy đua với thời gian để giành giật sự sống cho người bệnh. Người bệnh chuyển biến tốt được đưa tới các nhà điều trị mức độ nhẹ hơn thì ai cũng vui, nhưng kết quả thì không phải bao giờ cũng được như mong muốn. Điều dưỡng Khuất Nhật Thoan - Khoa Nội soi Thăm dò chức năng Bệnh viện Bưu điện - một thành viên trong Đoàn công tác chia sẻ: “Khi bệnh nhân tử vong, điều dưỡng chúng tôi sẽ vệ sinh, thay quần áo…cho họ một cách cẩn thận với tâm niệm thay người thân tiễn họ đoạn đường cuối cùng được chu đáo, thanh thản, trọn nghĩa, vẹn tình.”
Nhân viên y tế luôn sẵn sàng chăm sóc, hỗ trợ người bệnh COVID-19 một cách toàn diện |
Đại dịch COVID-19 quái ác đã mang đến quá nhiều mất mát, đau thương, cướp đi sinh mạng của biết bao người. Đó là dấu lặng buồn, nhưng theo các y bác sĩ đã từng sống và làm việc tại tâm dịch, chính những mất mát đau thương ấy đã khiến cho con người xích lại gần nhau hơn, cùng đoàn kết, gắn bó hỗ trợ lẫn nhau để tìm cách chiến thắng dịch bệnh. Trong gian khó, vất vả, hy sinh thì tình người, tình đời và triết lý nhân sinh “cho đi là còn mãi” càng hiển hiện rất rõ rệt. Sự ấm áp, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống giữa các thầy thuốc, nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 - Bệnh viện Dã chiến số 13 gồm các Bệnh viện “Việt Đức - Sản Trung ương - Bưu điện” tự lúc nào đã trở thành cái kiềng ba chân vững chắc, cùng nhau đoàn kết, vững vàng chiến thắng đại dịch, hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân TP. Hồ Chí Minh một cách trọn vẹn.
Hẹn gặp lại thành phố bình yên và tràn đầy sức sống
Với sự hỗ trợ tận tâm, dốc sức của tất cả các lực lượng, dịch bệnh nguy hiểm đã dần được kiểm soát, khống chế, số người ra viện rất nhiều, người bệnh nhập viện giảm đáng kể, số bệnh nhân tử vong không còn cao… Sau gần 50 ngày gắn bó với Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Dã chiến số 13, Đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Bưu điện cùng đồng nghiệp ở các bệnh viện đã có thể yên tâm trở về với công việc và cuộc sống thường ngày. Đến thời điểm bàn giao cho Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 Bệnh viện Dã chiến số 13 đã chữa trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân nặng, trong đó có 600 người được ra viện, 300 người bệnh tử vong và còn 100 người bệnh tiếp tục được điều trị. Các y bác sĩ - điều dưỡng Bệnh viện Bưu điện tự hào đã trực tiếp tham gia công tác chuyên môn điều trị và chăm sóc cho người bệnh COVID-19, góp một phần nhỏ bé vào việc đẩy lùi làn sóng dịch bệnh nguy hiểm lần thứ 4.
Tiễn người bệnh ra viện, tiếp tục về điều trị tại nhà, Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Bưu điện tự hào đã góp sức vào việc đẩy lùi làn sóng dịch bệnh nguy hiểm lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh. |
Ngày 8/10/2021, tại buổi Lễ tuyên dương các Đoàn công tác tăng cường phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xúc động chia sẻ: “Ngành y tế Thành phố xin gửi những tình cảm tốt đẹp nhất cùng lời tri ân sâu sắc nhất đến tất cả các đồng nghiệp từ khắp mọi miền của đất nước đã cùng với ngành y tế Thành phố vượt khó, dấn thân vì sức khỏe của người dân”. Cũng tại buổi lễ này, lần đầu tiên cùng với đại diện của nhiều đoàn y bác sĩ các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, ThS.BS Vũ Ngọc Linh - Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng Đoàn công tác của Bệnh viện Bưu điện được xem lại những hình ảnh tổng hợp đầy xúc động, chân thực nhất về cuộc chiến chống dịch bệnh nguy hiểm tại tâm điểm của đợt dịch thứ tư. Thay mặt Đoàn của Bệnh viện đón nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh tặng Bệnh viện Bưu điện do đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Thành phố, bác sĩ Linh đã không giấu được sự xúc động. Cuối cùng nhờ sự chung sức, đồng lòng của tất cả các lực lượng trong đó có Đoàn của Bệnh viện Bưu điện, nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có thể dần thoát khỏi nỗi ám ảnh của dịch bệnh, trở về cuộc sống bình thường.
ThS.BS Vũ Ngọc Linh (ngoài cùng bên trái) thay mặt Đoàn nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh. |
ThS.BS Vũ Ngọc Linh chia sẻ, đến tận đêm trực cuối cùng tại Bệnh viện Dã chiến số 13 trước khi tạm biệt người dân TP. Hồ Chí Minh để trở về Hà Nội, anh mới có thời gian để cảm nhận một chút không gian yên ắng tại nơi đây: “Khác với ngày đầu Đoàn mới vào nhận nhiệm vụ cũng như rất nhiều ngày sau đó, đêm nay không còn những tiếng báo động liên tục của máy thở, tiếng monitor theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân hay tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi… Sau gần hai tháng nỗ lực cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, cứu chữa, hỗ trợ nhân dân vùng tâm dịch, chúng tôi rất vui và xúc động vì đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé vào việc kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Những vất vả, nước mắt, mất mát, hy sinh rồi sự sẻ chia, giúp đỡ ấm áp tình người giữa các y bác sĩ với người bệnh, giữa các y bác sĩ với nhau, giữa người bệnh với người bệnh… Nhất là những niềm vui mỗi khi các y bác sĩ và người bệnh chiến thắng bệnh dịch, được chia vui khi người bệnh ra viện trở về nhà… Tất cả sẽ là những ký ức chẳng thể phai nhoà đối với mỗi y bác sĩ chúng tôi - những người đã trực tiếp tham gia “chiến đấu” và “chiến thắng” trong cuộc chiến chống dịch bệnh khốc liệt này”.
“Tuổi trẻ của tôi sẽ qua đi thật nhạt nhòa nếu như tôi không đi chống dịch COVID-19” - Điều dưỡng trẻ Lê Văn Thông thuộc Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Bưu điện đã chia sẻ về niềm vui, sự tự hào khi được góp một phần công sức của mình vào cuộc chiến chống đại dịch nguy hiểm nơi tuyến đầu như thế. Không vui sao được khi mồ hôi, công sức và cả những giọt nước mắt cảm xúc của các y bác sĩ đến từ mọi miền Tổ quốc đã giúp TP. Hồ Chí Minh dần khỏe lên.
Chia tay TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều y bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 13, trong đó có điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh - Khoa Sản Bệnh viện Bưu điện sẽ luôn lưu nhớ và tự hào bởi hình ảnh “nhà du hành vũ trụ” qua cảm nhận của một bệnh nhân nhí cùng cả gia đình nhiễm COVID-19 từng nằm điều trị tại Nhà N9 (một trong những khu nhà điều trị người bệnh mắc Covid-19 nặng) trong bức thư cảm ơn sau khi họ khỏi bệnh và được ra viện:
Lá thư đầy xúc động của hai mẹ con một bệnh nhân COVID-19 đã được điều trị khỏi bệnh. |
Bảo vệ Bệnh viện và cộng đồng an toàn trước đại dịch
Sau gần hai tháng nỗ lực cùng đồng nghiệp từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, các chiến sĩ áo trắng đã hoàn thành nhiệm vụ và tạm biệt TP. Hồ Chí Minh mang theo những ký ức, những tình cảm không thể nào quên. Hành trang của mỗi người, cùng với sự tri ân của nhân dân TP. Hồ Chí Minh, còn là những tình cảm gắn bó, đồng hành đầy sẻ chia, gắn kết trong những tháng ngày gian khó với đồng nghiệp Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Thư cảm ơn, ghi nhận những đóng góp hết sức ý nghĩa của Đoàn công tác Bệnh viện Bưu điện tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 - Bệnh viện Dã chiến số 13 của Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Bằng khen của Lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) dành tặng tập thể và các cá nhân tham gia Đoàn công tác là sự ghi nhận xứng đáng, động viên, khích lệ các thành viên trong Đoàn công tác tình nguyện tiếp tục nỗ lực cống hiến hiệu quả hơn trong nghề nghiệp rất nhân văn mà mình đã lựa chọn.
Hẹn gặp lại TP. Hồ Chí Minh bình yên và tràn đầy sức sống. |
Trở về với công việc, cuộc sống thường ngày tại Bệnh viện Bưu điện - một trong những Bệnh viện đa khoa hạng I uy tín của Ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam, họ lại tiếp tục cùng đồng nghiệp tham gia chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Những kiến thức, kinh nghiệm vô giá mà các y bác sĩ đã trải nghiệm, học hỏi được qua đợt công tác tình nguyện chống dịch COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh lần này cũng sẽ giúp Bệnh viện Bưu điện hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao, bảo vệ Bệnh viện và nhân dân trong cộng đồng được mạnh khoẻ, an toàn.
Bệnh viện Bưu điện đã thực hiện tiêm phòng hơn 15.000 liều vắc xin COVID-19 đảm bảo an toàn cho các đối tượng theo quy định của Bộ Y tế. |
Bên cạnh những nỗ lực, đóng góp mà Đoàn công tác của Bệnh viện đã làm được trong thời gian gần hai tháng hỗ trợ phòng chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh, tại các cơ sở của Bệnh viện ở Hà Nội và Đồ Sơn (Hải Phòng), cùng với việc đảm bảo an toàn công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện Bưu điện đã thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật các hướng dẫn về chuyên môn, các quy trình kỹ thuât về lấy mẫu, xét nghiệm, giám sát, cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19 và các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân, đảm bảo an toàn PCD cho toàn thể đội ngũ nhân lực y tế. Bệnh viện Bưu điện đã chủ động thực hiện xét nghiệm Real-time PCR Sars-CoV-2 cho các đơn vị thuộc Tập đoàn VNPT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội. Được sự cho phép và giúp đỡ của Bộ Y tế, Bệnh viện Bưu điện cũng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ hai mũi cho gần 100% CBCNV của Bệnh viện; tiêm phòng cho hơn 100 người bệnh lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện; tiêm phòng cho gần 500 sản phụ có thai trên 13 tuần; tiêm an toàn hơn 15.000 liều vắc xin phòng COVID-19 cho CBCNV Tập đoàn VNPT trên địa bàn thành phố Hà Nội và người dân theo quy định của Bộ Y tế và thành phố Hà Nội.
|
Đợt dịch thứ tư đã được kiểm soát và khống chế, tuy nhiên COVID-19 là đại dịch nguy hiểm, nó khiến người bệnh diễn tiến nặng rất nhanh và bất ngờ, người có thể lực yếu, nhất là người cao tuổi có bệnh nền rất khó chống đỡ. Thực tế cho thấy, số người bệnh chuyển nặng phần lớn ở nhóm có bệnh lý nền: tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì và đều xuất hiện ở nhóm chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh Covid-19. Nhóm đã được tiêm vắc-xin, kể cả mới chỉ tiêm được một mũi tỷ lệ trở nặng rất hiếm. Điều mong mỏi nhất của tất cả mọi người là sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường. Để làm được điều này, cùng với sự nỗ lực của Ngành Y tế và các cấp, các ngành, hơn ai hết người dân cần tiếp tục tự giác tuân thủ nghiêm túc quy định 5K + vắc-xin của Bộ Y tế. Đồng thời thực hiện lối sống lành mạnh, chú ý thường xuyên vận động, luyện tập thể dục, thể thao, có chế độ dinh dưỡng hợp lý nâng cao sức khoẻ. Và quan trọng nhất, những ai đủ điều kiện được tiêm vắc xin phòng COVID-19 thì nên tiêm càng sớm càng tốt vì chỉ có vắc xin mới có thể góp phần phòng ngừa và kiểm soát tốt dịch bệnh./.
TTƯT.ThS.BSCKII Trần Hùng Mạnh
Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Bệnh viện Bưu điện