Bài dự thi Giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2023
Phát triển bền vững theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng: Vietcombank - hành trình hướng tới "ngân hàng xanh"
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và tác động trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống con người, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Tọa đàm “Xanh hóa ngành Ngân hàng” ngày 21/09/2023 tại Hà Nội do NHNN phối hợp với Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO), Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tổ chức. |
Phát triển bền vững, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng. Phát triển bền vững là hướng đi tích cực để giảm thiểu những tác động rủi ro của biến đổi khí hậu, các vấn đề về môi trường; giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp tối cao của con người theo đúng quy định của pháp luật và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Xuất phát từ nhận thức sâu sắc, toàn diện quan điểm về phát triển nhanh, bền vững, đồng thời có sự kế thừa từ nhận thức và xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, Đảng ta luôn có sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Thông qua vai trò trung gian tài chính cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngành Ngân hàng đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Nằm trong xu hướng chung của toàn xã hội, hệ thống ngân hàng cũng đang tích cực “xanh hóa” để hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần vào quá trình phát triển bền vững quốc gia.
Phát triển bền vững - Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng
Trải qua gần 40 năm đổi mới, các quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế bền vững luôn được bổ sung và dần hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn và lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đại hội lần thứ VIII của Đảng (1996) khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”. Đại hội lần thứ IX của Đảng (2001) tiếp tục khẳng định quan điểm: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”. Đáng chú ý, quan điểm về phát triển bền vững đã được xác định rõ hơn từ Đại hội XI (2011), thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược...”. Đến Đại hội lần thứ XII (2016), Đảng ta có bước phát triển mới trong nhận thức và tư tưởng phát triển nhanh, bền vững với nội dung cốt lõi: “Phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”. Tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện mới (2021) cũng đã chỉ rõ: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Nhìn lại thực tiễn từ khi công cuộc đổi mới được phát động đến nay, có thể nhận thấy quan điểm phát triển bền vững đã sớm được Đảng và Nhà nước đặt ra và ngày càng hoàn thiện để dần trở thành một chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo quản lý và tiến trình phát triển đất nước. Thực tiễn cũng cho thấy đây là một yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển để “phát huy tối đa lợi thế của quốc gia, vùng, địa phương; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Phát triển bền vững cần phải được kiến thiết dựa trên cả 3 trụ cột: Kinh tế; Xã hội - văn hoá - con người và Môi trường. Trong đó Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ rất mới về phát triển kinh tế xanh hướng đến sự ổn định, bền vững, thịnh vượng của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội, mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xoá đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc người có công, người có hoàn cảnh khó khăn”. Phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là hướng đi đúng đắn để bảo đảm tính bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
“Xanh hóa ngành Ngân hàng” vì mục tiêu phát triển bền vững
Với vai trò là một trong những kênh cung ứng tài chính thiết yếu, hỗ trợ tích cực cho cho tăng trưởng kinh tế, ngành Ngân hàng đóng một vai trò quan trọng, góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương của Đảng, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/09/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của ngành Ngân hàng. Năm 2014, Thủ tướng ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020; NHNN tiếp tục được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính - tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh”. Năm 2016, với dấu ấn là cam kết INDC của Việt Nam (Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định) và Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 ban hành kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, NHNN được giao phối hợp với các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ “đẩy nhanh việc áp dụng các công cụ tài chính như chương trình tín dụng xanh, trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh và theo đó có bộ tiêu chí về dự án xanh”.
Chung tay cùng hành động, NHNN đã xây dựng định hướng phát triển ngân hàng xanh thông qua việc ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018) nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Để cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh, NHNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay, cấp tín dụng, quản lý rủi ro về môi trường đảm bảo phù hợp với Luật bảo vệ môi trường như: Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng, Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Thông tư số 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn TCTD thực hiện quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh Ngân hàng Nước ngoài, thể hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường sức chống chịu của hệ thống ngân hàng trước rủi ro về môi trường. Đồng thời, NHNN đã phối hợp với một số tổ chức quốc tế xây dựng hướng dẫn các TCTD xác định và thống kê hoạt động cấp tín dụng cho 12 lĩnh vực xanh, ban hành Sổ tay hướng dẫn tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế có rủi ro cao về môi trường xã hội,…
Gần đây nhất, NHNN đã ban hành Quyết định số 1408/QĐ-NHNN ngày 26/07/2023 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước chung của LHQ về biến đổi khí hậu. Kế hoạch đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, cụ thể là: (i) Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; (ii) Hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh huy động nguồn lực cho tăng trưởng xanh; (iii) Hoàn thiện chính sách đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phát triển bền vững ngành Ngân hàng; (iv) Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; (v) Công tác thông tin, truyền thông về hoạt động của ngành Ngân hàng góp phần thực hiện tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, NHNN cũng đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai các chương trình tín dụng xanh thuộc một số ngành, lĩnh vực, như: nông nghiệp xanh, lâm nghiệp; nhà ở và môi trường,… để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với dòng vốn “xanh”, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, đầu tư dự án, chương trình, cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường.
Có thể nói, ngành Ngân hàng đã có những chuyển biến rõ rệt trong việc phát triển tín dụng xanh và đa dạng các sản phẩm, dịch vụ nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy vậy, việc thúc đẩy quá trình “xanh hóa” hoạt động ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rào cản, thách thức như chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia làm cơ sở để huy động nhiều hơn nữa nguồn tài chính xanh, các ngành và lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường như năng lượng tái tạo hay tiết kiệm năng lượng thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài và chi phí đầu tư lớn,… Đồng thời, ý thức bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro pháp lý và hiệu quả cho các khoản đầu tư.
Với những định hướng, chỉ đạo từ Đảng, Nhà nước và của NHNN, các NHTM cũng đã và đang tích cực, nỗ lực thực hiện mục tiêu “xanh hóa” hệ thống ngân hàng, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh trong bối cảnh nhu cầu đối với những sản phẩm xanh, sản phẩm đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường ngày càng tăng mạnh.
Đại diện lãnh đạo Vietcombank và JBIC tại Lễ ký kết Hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo ngày 29/03/2023 . |
Vietcombank - Dấu ấn tiên phong trong hành trình xanh hóa
Với mục tiêu xuyên suốt là hướng tới một ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng, trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) xác định tăng trưởng phải gắn liền với yếu tố bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội.
Thứ nhất, với vai trò là ngân hàng thương mại tiên phong, Vietcombank luôn xác định cấp tín dụng cho các dự án xanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngân hàng.
Trong thời gian qua, Vietcombank đã tích cực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt đối với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; dự án tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên; dự án xử lý chất thải và phòng, chống ô nhiễm; nông nghiệp xanh; công nghiệp xanh; công trình xanh và giao thông bền vững.
Trong giai đoạn 2018 - 2021, tổng dư nợ tín dụng xanh của Vietcombank tăng mạnh qua các năm, từ con số hơn 7.890 tỷ đồng năm 2018 lên đến gần 18.400 tỷ đồng đến hết năm 2021. Đáng nói, năm 2021, tuy bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, nhưng Vietcombank vẫn có tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh ở mức dương và đạt 28% so với cùng kỳ giai đoạn 2019 - 2020. Vietcombank cũng tiên phong thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc miễn, giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng để giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19 với quy mô lên đến hơn 10.000 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, dư nợ cho các dự án xanh tại Vietcombank đã chiếm trên 4% tổng dư nợ của Ngân hàng. Cụ thể, vốn tài trợ cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm ~87,3%, các dự án quản lý nước bền vững chiếm 7,2%, dự án tái chế, tái sử dụng các nguồn tài nguyên ~1,3%, xử lý chất thải, phòng chống ô nhiễm ~1,3%, công nghiệp xanh ~1%, nông nghiệp xanh ~1%, công trình xanh và giao thông bền vững ~1%. Đặc biệt, hoạt động tài trợ vốn trung dài hạn cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đã tăng trưởng gần 350% trong năm 2022, thể hiện sự ưu tiên định hướng tín dụng cho các ngành phát triển bền vững tại Vietcombank.
Ngày 29/3/2023, Vietcombank và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã ký kết Hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo. Khoản vay sẽ hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam, một trong những lĩnh vực mà Đảng và Chính phủ rất quan tâm hiện nay.
Thứ hai, Vietcombank luôn nỗ lực phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm xanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng và bảo đảm yếu tố bền vững.
Bên cạnh việc trực tiếp dành nguồn lực cho tín dụng xanh, trong năm 2022, Công ty Chứng khoán Vietcombank Securities thuộc hệ sinh thái Vietcombank đã tư vấn phát hành thành công 1.725 tỷ đồng trái phiếu xanh cho Công ty Tài chính cổ phần Điện lực. Đây là trái phiếu Doanh nghiệp đầu tiên được xác định là trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế tại thị trường Việt Nam.
Đồng thời, ý thức được vai trò của một ngân hàng số trong trong xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Vietcombank đã và đang không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện ích cho khách hàng, bảo đảm yếu tố bền vững, lâu dài và tác động tốt đến hành trình xanh của quốc gia. Trong các yếu tố được Vietcombank chú trọng khi phát triển sản phẩm dịch vụ, bên cạnh trải nghiệm khách hàng, tính chính xác, hiện đại, không thể thiếu yếu tố xanh và bền vững, chuyển đổi số nhưng không ảnh hưởng đến môi trường, hạn chế rác thải. Trong đó, nổi bật có thể kể đến sản phẩm VCB Tap to Phone - công nghệ biến điện thoại di động thành máy POS hay thẻ ghi nợ quốc tế phi vật lý VCB DigiCard cho phép thay thế đầy đủ các tính năng của một chiếc thẻ vật lý thông thường. Tất cả các giải pháp của Vietcombank giúp cho khách hàng tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả dịch vụ khi tiết kiệm được nhiều nguồn lực và hạn chế tối đa rác thải từ giấy, thẻ, khí thải sản xuất,…
Thứ ba, cùng với những đóng góp trong phát triển kinh tế, Vietcombank còn đi đầu thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Hoạt động an sinh xã hội của Vietcombank không ngừng được đẩy mạnh, triển khai trên quy mô lớn với nhiều chương trình thiết thực, ý nghĩa, tích cực hưởng ứng và thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Chuỗi hoạt động an sinh xã hội được Vietcombank triển khai suốt nhiều năm qua với sự tham gia tích cực từ Trụ sở chính đến các chi nhánh, công ty trực thuộc trên toàn quốc.
Trải qua từng giai đoạn phát triển, Vietcombank luôn là doanh nghiệp tiên phong trong các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện do Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và các địa phương phát động. Hoạt động an sinh của Vietcombank luôn bám sát mục tiêu xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững của Đảng và Chính phủ, theo đúng tinh thần Nghị quyết số 30a/NQ-CP. Trong giai đoạn 2009-2023, Vietcombank đã dành hơn 3.200 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội và hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn với các chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các lĩnh vực trọng tâm mà Vietcombank hướng tới là y tế, giáo dục, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách, thương bệnh binh... Vietcombank đặc biệt quan tâm hỗ trợ vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hải đảo.
Riêng năm 2021, khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, Vietcombank đã dành 381 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 của ngành y tế và các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất, đồng hành cùng doanh nghiệp theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN trong đại dịch Covid-19; tiên phong cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các ngành công nghiệp mũi nhọn, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm góp phần tái cơ cấu nền kinh tế. Có thể thấy rõ, trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là trong khó khăn, thách thức, Vietcombank càng khẳng định vai trò của một ngân hàng chủ lực của nền kinh tế, chia sẻ trách nhiệm to lớn với Chính phủ và cộng đồng, vì sự phát triển chung của xã hội và đời sống nhân dân. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và những hành động thiết thực dành cho tất cả các khách hàng cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong thời gian đại dịch diễn ra, Vietcombank hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng ý nghĩa “Ngân hàng hỗ trợ tốt nhất trong thời gian đại dịch Covid-19” do Tạp chí The Asian Banker trao tặng.
Bước vào năm 2023, nhiều hoạt động an sinh xã hội và thiện nguyện cũng đã được Vietcombank thực hiện nhằm hướng tới chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập Vietcombank và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động như: “Tết vì người nghèo” trên khắp cả nước với nguồn kinh phí 20,5 tỷ đồng đóng góp từ đoàn viên, người lao động; Chương trình hiến máu nhân đạo “Vietcombank 60 năm: Trao giọt hồng - Trao yêu thương”; Chiến dịch trồng 60.000 cây xanh “Vietcombank - Vì một Việt Nam xanh” tại 60 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt, ngày 12/03/2023, Vietcombank đã ra mắt Quỹ học bổng “Vững tương lai” dành cho học sinh, sinh viên thông qua Giải chạy phong trào Vietcombank: “Vạn trái tim - Một niềm tin” được tổ chức trên quy mô toàn quốc.
Những hoạt động an sinh xã hội đã thể hiện giá trị nhân văn, bền vững của Vietcombank với mong muốn được chung tay góp sức cùng Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng cho người dân; tăng trưởng kinh tế, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, từng bước đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh”. Nhìn chung, việc tham gia tích cực vào các chương trình an sinh xã hội và hoạt động thiện nguyện không chỉ thể hiện trách nhiệm của Vietcombank mà còn là nguyện vọng chung của toàn thể cán bộ, nhân viên nhằm hướng tới một ngân hàng xanh phát triển bền vững vì cộng đồng, lan tỏa bản sắc nhân văn “Trọng đức, gần gũi, biết cảm thông và sẻ chia”.
Ngày 12/03/2023, Vietcombank ra mắt Quỹ “Vững tương lai” hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, tài năng. |
Tầm nhìn dài hạn - Viết tiếp chặng đường trở thành “ngân hàng xanh”
Dù đã có những khởi đầu tích cực, Vietcombank vẫn cần tiếp tục nỗ lực để vượt qua thách thức, hoàn thành mục tiêu trở thành một “ngân hàng xanh” toàn diện.
Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, Vietcombank phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn để xanh hóa hoạt động ngân hàng. Một là, hành lang pháp lý cho các hoạt động tín dụng xanh, ngân hàng xanh còn chưa đầy đủ. Đây cũng là khó khăn chung của toàn hệ thống NHTM hiện nay khi chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc tiêu chuẩn tối thiểu cho quản lý rủi ro môi trường – xã hội đối với từng ngành/lĩnh vực kinh tế. Tín dụng xanh là lĩnh vực đã có bước tiến rõ ràng nhất nhưng trên thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Hồ sơ xin vay vốn thuộc lĩnh vực tín dụng xanh dù có bao gồm bản đánh giá tác động môi trường song nghiệp vụ thẩm định cấp tín dụng của Ngân hàng hiện hầu hết vẫn phải dựa vào kinh nghiệm và nhận định của cán bộ tín dụng chứ chưa có tiêu chuẩn cụ thể để tham chiếu. Tương tự, hầu hết các hoạt động khác liên quan đến ngân hàng xanh đều chưa có khung pháp lý cụ thể, do đó còn mơ hồ trong cách thức quản lý và triển khai.
Hai là, kiến thức và kinh nghiệm về triển khai ngân hàng xanh còn nhiều hạn chế. Xanh hóa nền kinh tế, xanh hóa ngành ngân hàng vẫn là xu thế mới và đang ở giai đoạn khởi đầu tại Việt Nam. Do đó, kể cả với ngân hàng hàng đầu như Vietcombank, kiến thức và kinh nghiệm thực tế vẫn cần phải bồi đắp, tích lũy thêm. Đặc biệt, các lĩnh vực liên quan đến môi trường – xã hội hiện đã và đang ưu tiên áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, đòi hỏi phải am hiểu và có thể phân tích, đánh giá chuyên sâu. Đây cũng là một trong các rào cản dẫn đến việc phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh còn hạn chế khi cán bộ chưa đủ kinh nghiệm chuyên môn thẩm định các dự án áp dụng công nghệ mới và hiện đại, còn tâm lý e dè khi triển khai “xanh hóa” các hoạt động ngân hàng.
Ba là, nguồn lực tài chính dành cho tín dụng xanh còn eo hẹp. Như đã đề cập tại phần trên của bài viết, các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên, môi trường và xã hội thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài và chi phí đầu tư lớn. Cũng như các NHTM khác, Vietcombank chưa có nguồn vốn dài hạn dồi dào để phục vụ các dự án trọng điểm với thời gian rất dài như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,... Trong khi đó, minh bạch thông tin và nhận thức về môi trường của người dân và doanh nghiệp hiện vẫn tồn tại nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro pháp lý và hiệu quả cho các khoản đầu tư.
Chặng đường dài đòi hỏi Vietcombank sẽ cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đón đầu xu thế chung về xanh hóa ngân hàng. Vietcombank cần tiếp tục thúc đẩy tín dụng xanh, đi kèm với việc nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ nhân viên. Ngân hàng cần chủ động tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để nâng cao năng lực tài chính, nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng thời hạn dài và lãi suất ưu đãi của các ngành/lĩnh vực xanh. Đồng thời, Vietcombank cần có kế hoạch và chiến lược đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường cho đội ngũ nhân viên. Đặc biệt đối với bộ phận thẩm định và cấp tín dụng, cần tăng cường huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thẩm định. Cán bộ cần nắm vững kiến thức, am hiểu về lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp để đánh giá đúng năng lực khách hàng, hiệu quả dự án và các rủi ro hiện hữu/tiềm ẩn.
Cần có chiến lược toàn diện để đa dạng hóa các sản phẩm xanh. Vietcombank cần đưa ra chủ trương và kế hoạch hành động cụ thể để phát triển và đưa các sản phẩm xanh đi vào đời sống. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra từng ngày từng giờ, cần đặc biệt quan tâm và ưu tiên áp dụng các công nghệ mới, công nghệ hiện đại vào các sản phẩm ngân hàng, đáp ứng đa mục tiêu về trải nghiệm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải.
Vietcombank cần xúc tiến hợp tác quốc tế với các đơn vị/tổ chức vì mục tiêu tăng trưởng xanh để: (i) tìm kiếm và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho các danh mục tín dụng xanh; (ii) tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ các mô hình ngân hàng xanh trên thế giới; (iii) học hỏi các công nghệ mới để nâng cao hiểu biết và xóa bỏ dần các rào cản kỹ thuật trong công cuộc xanh hóa ngân hàng. Chia sẻ từ các chuyên gia về rủi ro môi trường, tín dụng xanh, ngân hàng xanh từ các quốc gia phát triển sẽ là nguồn vốn quý để Vietcombank tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực, tích cực hòa chung vào xu thế ngân hàng xanh trên thế giới.
Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, lan tỏa hình ảnh và thông điệp ngân hàng xanh của Vietcombank. Ngân hàng nên sử dụng phối hợp nhiều kênh thông tin để truyền bá, tiếp cận nhiều mục tiêu và nâng cao độ nhận diện. Cần tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ để giúp doanh nghiệp nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường – xã hội và nắm được chủ trương, cách tiếp cận các dòng vốn ưu đãi cho các chương trình/dự án xanh, góp phần tăng trưởng tín dụng xanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng cần tích cực tuyên truyền và thực hành giảm thiểu rủi ro môi trường – xã hội ngay từ trong các hoạt động nội bộ và cả hoạt động cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội của một ngân hàng xanh.
Với những định hướng, chỉ đạo từ Đảng, Nhà nước và NHNN, với sự nỗ lực của các NHTM, công cuộc “xanh hóa” ngành Ngân hàng đang có những chuyển biến tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Qua 60 năm phấn đấu không ngừng, Vietcombank đã và đang khẳng định vị thế của ngân hàng tiên phong trên hành trình trở thành một ngân hàng xanh, phát triển bền vững vì cộng đồng, chung tay cùng với toàn ngành Ngân hàng để triển khai thành công chiến lược quốc gia về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Thương hiệu Vietcombank không chỉ được biết đến với tư cách là NHTM hàng đầu mà còn là một ngân hàng vì cộng đồng, của cộng đồng. Như thông điệp và cũng là cam kết xuyên suốt của Ngân hàng: “Chung niềm tin, vững tương lai”, dù chặng đường còn dài, Vietcombank tin tưởng sẽ góp phần khơi dậy niềm tin vào tương lai tươi sáng, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, vì một tương lai xanh./.
Trịnh Thị Thu Hương - Phan Minh Tú - Hoàng Thị Hằng