Hiến kế đổi mới tạo động lực phát triển
Sau gần một năm Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư tổ chức triển khai Cuộc vận động “Hiến kế đổi mới cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước” (gọi tắt là Cuộc vận động), Ban Tổ chức đã nhận được 1.137 kế sách của các cá nhân và tổ chức trong và ngoài Đảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư. Nhiều kế sách có giá trị ứng dụng cao, thể hiện tâm huyết và trách nhiệm đối với sự phát triển chung của đất nước.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Bí thư Đảng ủy Khối DNTW chủ trì Hội nghị Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Hiến kế đổi mới cơ chế chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp và kinh tế đất nước”. |
Theo Ban Tổ chức, để cuộc vận động đi vào chiều sâu, một số đơn vị đã thành lập đoàn khảo sát, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc. 35/35 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp T.Ư và tám Đảng ủy Khối Doanh nghiệp địa phương ban hành các kế hoạch, hướng dẫn triển khai. Nhiều đảng bộ trực thuộc đã có cách làm hay, thu hút sự sáng tạo của cán bộ, đảng viên và người lao động, như các đảng bộ: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, TCT Đường sắt Việt Nam, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang... Nhiều ý tưởng được trình bày công phu, lý luận sắc bén, đề xuất giải pháp khả thi, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp tạo động lực phát triển. Không ít ý tưởng mang tính khoa học và thực tiễn, có thể áp dụng vào điều kiện thực tế của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế nước ta.
Trong lĩnh vực đổi mới cơ chế, chính sách, các ý tưởng tập trung tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế đất nước, ngành, địa phương, trên nhiều lĩnh vực, từ cụ thể tới vĩ mô. Một số hiến kế tiêu biểu, được Hội đồng bình chọn đánh giá có khả năng áp dụng trong thực tế. Có thể kể, sản phẩm của nhóm tác giả công tác tại Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn nhà nước: “Đề xuất, hoàn thiện mô hình đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới”. Dựa trên nghiên cứu, phân tích một số tồn tại về thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, Nhóm tác giả đề xuất hai nhóm giải pháp cụ thể hoàn thiện mô hình đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tác giả Trần Công Lý nêu ý tưởng “Cải cách đột phá thu thuế trong lĩnh vực bán lẻ, hộ kinh doanh, thay thuế “khoán – doanh thu” bằng thu thuế qua “mua – bán doanh thu” thực chất. Thu đủ thuế 100%, tạo môi trường văn hóa thương mại”. Lý giải vấn đề lựa chọn, tác giả cho rằng, thuế thật sự trở thành nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước từ năm 1990, những năm gần đây đã chiếm tỷ trọng hơn 90% tổng nguồn thu. Tuy nhiên, vấn đề nan giải về thất thu thuế vẫn chưa được giải quyết triệt để; công tác chống thất thu thuế là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước, ngành thuế nói chung và của các địa phương nói riêng. Làm tốt công tác này tất yếu sẽ tạo sự công bằng về thuế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần nâng cao phúc lợi của chính người dân nộp thuế… Tác giả đề xuất giải pháp chống thất thu thuế bằng việc tạo lập cơ chế 100% người mua hàng được nhận lại hóa đơn bán hàng từ hộ kinh doanh, thông qua hình thức nhận tương đương các vé “xổ số thuế - doanh thu”. Với trị giá các vé xổ số được nhận ngang bằng với số tiền đã chi trả của khách hàng cho cơ sở kinh doanh. Sau mỗi tháng ngành thuế kết hợp với các công ty Xổ số kiến thiết các tỉnh để quay mở thưởng. Thay vì thu thuế qua doanh thu khoán (khâu này rất dễ xảy ra việc ăn chia giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh) bằng việc người bán hàng đầu tháng đến cơ quan thuế mua hóa đơn thuế dưới dạng vé xổ số thuế - doanh thu…
Về công tác xây dựng Đảng, một số tác giả, nhóm tác giả nêu các giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị xã hội trong doanh nghiệp nhà nước nói riêng, các doanh nghiệp nói chung để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Nhiều nghiên cứu cần được xem xét lý thuyết, thực tiễn để áp dụng, như đề xuất về mô hình Đảng bộ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Đảng bộ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tiếp cận giải pháp thiết thực cho chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và hiệu quả hoạt động của của tổ chức cơ sở đảng thuộc khối ngân hàng; hay về đổi mới việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn hiện nay.
Một số hiến kế có tính khả thi về đổi mới cơ chế, chính sách nội bộ, các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tạo đột phá, phát huy các nguồn lực, tạo động lực phát triển mới cho doanh nghiệp. Điển hình như nghiên cứu sản xuất các chủng loại vật tư, thiết bị thay thế trong các máy chuyên dùng thi công đuờng sắt; hoàn thiện công nghệ chế tạo, lắp ráp, tiêu chuẩn kiểm tra, thử nghiệm trong chế tạo đầu máy D19E phù hợp trình độ kỹ thuật, công nghệ trong nước; Sử dụng bã thải thạch cao của Công ty Cổ phần Vinachem làm vật liệu san lấp mặt bằng, lấn biển; nghiên cứu, triển khai tuần hoàn nước thải; cải tiến hệ thống camera ghi làm nguội Clinker đầu lò…
Nhiều sáng kiến tâm huyết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp . Đó là đổi mới công khai phương thức bán hàng – tàu trực tuyến Egov; hoàn thiện công tác phân tích tài chính doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tín dụng tại Nhân hàng Phát triển Việt Nam; đổi mới cơ chế chính sách phát triển thị trường khí Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030; đề xuất cơ chế ưu đãi khuyến khích các nhà thầu dầu khí áp dụng biện pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu (EOR). Tập trung cho các giải pháp về xây dựng phần mềm, có Chương trình phần mềm tra cứu tài khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân đã được bảo hiểm tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; hay phần mềm ứng dụng trong triển khai nghiệp vụ bảo hiểm; xây dựng tổng đài trực hỗ trợ khách hàng và chi nhánh trong nghiệp vụ thẻ 24/7 tại Trung tâm thẻ; chương trình Nhật ký công việc; chương trình quản lý dữ liệu đào tạo version 1.0; đề án thiết lập trang Thông tin Pháp chế điện tử SCIC… đều được đánh giá có tính thực tiễn cao.
Đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư nhận định, cuộc vận động được triển khai trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, với tinh thần trách nhiệm cao, các cấp ủy đã tích cực triển khai; tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, thu hút trí tuệ của cán bộ, đảng viên, người lao động trong và ngoài Khối Doanh nghiệp T.Ư. Nhiều bản hiến kế được đầu tư hết sức công phu, thể hiện tâm huyết của tác giả. Các thông tin, số liệu được thống kê chi tiết, tỷ mỉ, những vấn đề được xã hội và đông đảo người dân quan tâm; có giá trị đóng góp vào qúa trình thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp T.Ư sẽ tổng hợp các nội dung có giá trị cao để báo cáo, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương xem xét, chỉ đạo nghiên cứu, ứng dụng, triển khai.
Lê Vy (Báo Nhân dân)