.
.

Dấu ấn 2O11: Niềm tin lớn tạo khí thế mới

Thứ Tư, 11/01/2012|22:42

Đại hội XI của Đảng có ý nghĩa trọng đại, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

I. VIẾT TIẾP TRANG SỬ ĐẢNG

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đại hội XI của Đảng thành công, vạch ra đường hướng chiến lược và những chính sách cụ thể cho sự phát triển đất nước trong ngắn, trung và dài hạn cũng như lựa chọn nhân sự có chất lượng để thực hiện các chiến lược và chính sách đề ra.  Đại hội XI của Đảng tỏa một niềm tin lớn, một khí thế mới để các đảng viên, nhân dân tin tưởng hơn. Bước sang năm 2012, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề mấu chốt là chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những quyết sách mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra.

Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó, đã huy động được các nguồn lực cho phát triển, bảo đảm tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và cải thiện đời sống nhân dân. Tài sản của nhiệm kỳ X để lại tuy chưa đồ sộ, song đó là nền tảng vững chắc của 10 năm đầu thế kỷ XXI đã cho những thông số khích lệ đó là giá trị của sự kế thừa.

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, cần tạo sự đoàn kết, dân chủ thật sự trong Đảng làm nòng cốt phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đại hội giành thời gian kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011-2015; tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991; bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng… Các văn kiện này không chỉ nhằm giải quyết những nhiệm vụ trước mắt mà còn định hướng lâu dài cho hành động của Đảng. Đặc biệt, vấn đề nhân sự Ban chấp hành T.Ư Đảng trở thành chìa khóa quyết định thắng lợi của Đại hội và 5 năm phát triển đất nước.

Tư tưởng kinh tế cốt lõi trong các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Tiền đề để thực hiện thành công nhiệm vụ này là triển khai hiệu quả ba đột phá chiến lược. Đại hội XI đã tạo bước tiến mới, cho phép kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, một vấn đề cụ thể, nhưng rất hệ trọng, vì nó liên quan đến quan điểm, đường lối cơ bản của Đảng được đặt ra từ nhiều năm nay.

Từ tầm nhìn của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đặt yêu cầu thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngay trong thời kỳ kế hoạch 2011 - 2015. Trong năm 2012 phải tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo trong Kết luận số 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11 của Chính phủ, tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh mặt tích cực, công tác xây dựng Đảng cũng được Đại hội đặc biệt chú trọng. Đáng lo ngại là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên; tình trạng quan liêu, xa dân, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm… Chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ số một của Đảng, của cả dân tộc, quyết định tương lai của đất nước. Tuy nhiên, để làm được, làm tốt điều này không đơn giản với gần 4 triệu đảng viên cả nước có trình độ, phẩm chất không đồng đều. Chỉnh đốn Đảng tương ứng với trách nhiệm của một Ban chấp hành T.Ư Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững như kiềng ba chân: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Với chủ đề "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại", Đại hội Đảng lần thứ XI đã diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 12 đến 19/1/2011.

- Đại hội XI đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Khóa XI. Hội nghị đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí. Ban chấp hành Trung ương có 200 ủy viên, trong đó, 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết.

- Đại hội XI có 1.377 đại biểu tham dự, đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên thuộc 54.000 tổ chức cơ sở Đảng. 100% ý kiến đồng ý thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

- Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn: Thủ tướng Chính phủ - Nguyễn Tấn Dũng; 4 Phó Thủ tướng: Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh và Thủ trưởng của 22 bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ

II. ĐÃ ĐẾN LÚC THỰC HIỆN LỜI HỨA

Quốc hội quyết tâm đổi mới, cử tri và nhân dân kỳ vọng Quốc hội Khóa XIII sẽ đạt được bước tiến vượt bậc trên con đường dân chủ hóa.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIII có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong lịch sử ngành lập pháp Việt Nam. Bầu cử Khóa XIII không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội, 5 năm mới có, mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong công cuộc dân chủ hóa đời sống chính trị sau hơn 25 năm đổi mới. Vì lẽ đó, đông đảo cử tri rất quan tâm đến kết quả cuộc bầu cử, coi đó là một trong những thước đo nền dân chủ của Nhà nước, của dân, do dân, vì dân.

Cuộc bầu cử Quốc hội Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2011-2016, có 493 đại biểu được bầu vào ngày 22/5/2011. Quốc hội đã bầu: Chủ tịch nước – Trương Tấn Sang; Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Sinh Hùng và 4 Phó Chủ tịch Quốc hội: Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng.

Quyết tâm đổi mới, Quốc hội (QH) không theo thông lệ cũ mà lấy tiêu điểm từ nhu cầu xử lý việc nước. Nhiệm vụ quan trọng nhất của kỳ họp đầu tiên là phê chuẩn nhân sự lãnh đạo Nhà nước và nội các Chính phủ. Có thể thấy, chưa bao giờ biểu quyết danh sách thành viên Chính phủ đạt 100% số phiếu như lần này. Danh sách được phê chuẩn tuyệt đối, nhiều chức danh đạt phiếu cao, số phiếu khá tập trung, cho thấy sự tin tưởng và đòi hỏi rất cao của người bỏ phiếu đối với người được bầu.

Nhân lực mới kế thừa những thành công của QH khóa XII, tiếp tục xử lý gánh nặng nảy sinh trong thực tế mà người tiền nhiệm chưa xử lý hết, bảo đảm kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng không sa sút, đời sống người dân được cải thiện. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, người từng là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhiều khóa vừa chuyển vai từ Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ sang Chủ tịch QH, đã khẳng định bản lĩnh chính trị trong điều hành các phiên họp đầu tiên. Những vấn đề người đứng đầu cơ quan lập pháp đưa ra đều được QH tán thành, bỏ phiếu thông qua. Điều này chứng tỏ, Chủ tịch đã làm tốt vai trò mới của mình.

Đất nước đổi mới, QH đã có những bước phát triển đáng kể, tạo được dấu ấn, phản biện sắc sảo và thuyết phục hơn. Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những nội dung quan trọng của mỗi kỳ họp QH được dư luận xã hội và cử tri rất quan tâm. Bởi đó thực sự là những cuộc cọ xát quyết liệt để QH và Chính phủ cùng tìm hướng giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh. Các thành viên Chính phủ cũng thấy rõ hơn trách nhiệm trong lĩnh vực phụ trách để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước.

Khép lại cái thời mà phần lớn các ĐB chỉ tới hội trường nghe và giơ tay biểu quyết. Chất lượng chất vấn dần được nâng cao, thể hiện rõ trong nội dung câu hỏi về các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội của các ĐB với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Sự bất ngờ, hấp dẫn, bản lĩnh cũng như trách nhiệm của cả người chất vấn và trả lời chất vấn được bộc lộ rõ nhất tại hỏi đáp trực tiếp trên nghị trường. Tuy nhiên, ngay cả khi nghị trường sôi động nhất, nóng bỏng nhất vẫn còn những ĐB “nể và tránh” chất vấn, thậm chí không phát biểu.

ĐBQH cần hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của dân để kịp thời điều chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách từ Trung ương đến địa phương cho phù hợp với thực tế khách quan. Dù chưa được đáp ứng những nguyện vọng chính đáng, song lòng dân sẽ yên, niềm tin càng lớn khi hiểu rõ những khó khăn của Đảng, Nhà nước. Trên thực tế, hầu hết ĐB sống và làm việc ở các thành phố, đô thị lớn, với lượng thời gian tiếp xúc cử tri ít ỏi, hai lần một năm trước và sau mỗi kỳ họp, làm sao có thể nắm bắt được nguyện vọng của hàng nghìn, hàng triệu cử tri ở địa bàn mình ứng cử. Tại sao những người đại diện của dân dành thời gian dăm ba ngày, thay vì vài ba giờ như hiện nay để xuống tận cơ sở lắng nghe các tầng lớp nhân dân nói về điều mình cần, điều mình kỳ vọng để phản ánh lại với QH?

Cuộc bầu cử QH Khóa XIII thành công tốt đẹp. Đã đến lúc các ĐBQH thực hiện lời hứa trước nhân dân!

III. NHÌN LẠI NĂM CŨ KỸ VỌNG NĂM MỚI

Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế, các chính sách được ban hành trong năm qua cho thấy, Việt Nam muốn trở về với những giá trị nền tảng sau nhiều năm tăng trưởng mà hệ quả của nó là lạm phát tăng cao.   

Một nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại nhiều dấu ấn về sự quyết đoán và quyết tâm cải cách. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng thể hiện rõ vai trò của một nhà cải cách, nỗ lực giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, cân nhắc nội lực và chấp nhận không ít thiệt thòi để mưu cầu lợi ích của hơn 80 triệu người dân.

Bức tranh về sự phát triển của đất nước trong gần một năm qua phác thảo một cách tổng thể, rõ nét bức tranh toàn cảnh về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm 2011, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015. Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam dần khẳng định vị thế của mình trong một thế giới vẫn còn những đói nghèo, khủng bố… Kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, tránh được sự bất bình đẳng mà nhiều nước gặp phải khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường.

Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi rất nhanh bởi những cam kết thương mại với bên ngoài. Chính vì vậy, các biến động kinh tế, nhất là giá cả tác động rất nhanh tới thị trường nội địa. Điều này cùng với những cải cách thị trường như: Giảm bớt trợ cấp của Chính phủ, giảm độc quyền đã tác động lên lạm phát. Đầu năm 2011, lạm phát bắt đầu tăng cao hơn mức trung bình của nhiều năm trước đó, trở thành vấn đề lo ngại của Nhà nước và người dân. Sau một loạt các nỗ lực kiềm chế, tính đến tháng 12/2011, xuất nhập khẩu tăng 33,3% so với năm 2010; nhập siêu bằng 9,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu QH đề ra là 18%. Chỉ số giá tiêu dùng được giữ ở mức 18,1%, hướng tới 1 con số trong năm 2012 và tăng trưởng ở mức 6-6,5%. Lạm phát đã phần nào giảm tốc, song chưa thể đảm bảo vững chắc cho tương lai.

Nhìn lại năm cũ để kỳ vọng vào năm mới. Sự tăng trưởng chậm lại của Việt Nam là một cơ hội để Chính phủ giải quyết những vấn đề có tính chất cơ cấu lại nền kinh tế. Sự phát triển của Việt Nam trong tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào bộ máy nhà nước, vào việc Nhà nước có thiết lập được thể chế vững chắc để đẩy nhanh sự phát triển của đất nước. Thêm một nhiệm kỳ, Thủ tướng có thêm cơ hội sử dụng quyền lực để thực hiện đến cùng nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế trong năm 2012, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng. Người dân hy vọng, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tạo được đột phá, không chỉ trong các chính sách mà bằng những hành động thiết thực.

Báo Tết Công Thương Nhâm Thìn 2012

.
.
.
.