Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:
Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Hôm nay, trong không khí của mùa thu tháng tám, trong mỗi chúng ta, có lẽ vẫn trào dâng một cảm xúc mãnh liệt nhớ về một mùa thu sục sôi khí thế cách mạng, 74 năm Cách mạng tháng tám và ngày 2/9, tại Quảng trường Ba đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đặc biệt hơn nữa, trong dịp kỷ niệm này, Đảng và Nhà nước đã long trọng kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta, đi vào cõi vĩnh hằng và 50 năm thực hiện Di chúc của Người. Bản Di chúc thiêng liêng - tài sản tinh thần vô giá cho Đảng ta, dân tộc ta, nhân dân ta là sự kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại; thể hiện tình yêu thương vô hạn mà Bác đã dành trọn vẹn cho đồng bào, đồng chí, cùng bè bạn khắp năm châu; phản ánh khát vọng cháy bỏng của một con người suốt đời một lòng, một dạ phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ngay từ khi chuẩn bị thành lập Đảng, cho đến khi trước lúc đi xa, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng Đảng về đạo đức. Trong Di chúc, Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".
Chặng đường lịch sử 89 năm (3/2/1930 - 3/2/2019) của Đảng đã ta trải qua những mốc son chói lọi, tô thắm thêm truyền thống yêu nước của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nó thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Hồ Chủ Tịch, trong từng giai đoạn cách mạng, minh chứng rõ ràng Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới có nhiều thay đổi ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị và phát triển kinh tế của đất nước ta. Trước tình hình đó, Đảng đã đặt ra những quyết sách quan trọng giữ vững an ninh chính trị, duy trì tốc độ tằng trưởng kinh tế vĩ mô, đồng thời đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiều biểu hiện tiêu cực như tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã được Đảng chỉ rõ. Trước tình hình đó đòi hỏi Đảng phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng để nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng gói trọn trong một số quan điểm chỉ đạo chủ yếu như sau:
Một là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; phải coi đổi mới phương thức lãnh đạo là một nhiệm vụ của xây dựng Đảng, tức xây dựng Đảng về phương thức lãnh đạo; phải coi trọng công tác cán bộ, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ.
Ba là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải trên cơ sở kiên định các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, trong xã hội, đẩy mạnh phân công, phân cấp, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Bốn là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là công việc hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến lợi ích cá nhân, tập thể và của toàn Đảng, phải có quyết tâm chính trị cao, chủ động, tích cực, kiên quyết, kiên trì, đồng thời có bước đi vững chắc, có lộ trình, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm.
Nhận thức rõ những quan điểm chỉ đạo nêu trên, tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, trong suốt chặng đường gần 14 năm hình thành và phát triển, SCIC đã và đang từng bước thực hiện tốt các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới cơ chế quản lý vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, tách bạch chức năng quản lý hành chính nhà nước với chức năng quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.057 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn theo sổ sách kế toán là 21.178 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2019, danh mục đầu tư của SCIC còn 144 doanh nghiệp với số vốn theo giá trị sổ sách là 28.947 tỷ đồng. Số lượng các doanh nghiệp trong danh mục đã được cơ cấu lại một cách căn bản.
Là một Tổng công ty đặc biệt thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp: hoạt động các doanh nghiệp sau khi chuyển giao về SCIC đã được cải thiện: vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được quản lý tập trung và hiệu qủa hơn; quyền chủ động sản xuất kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về tài chính của doanh nghiệp được thực hiện đầy đủ kịp thời; xóa bỏ cơ chế quản lý hành chính và sự can thiệp của cơ quan hành chính nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước và lợi ích người lao động được giải quyết hài hòa và thỏa đáng.
Song song với việc thực hiện quản lý vốn thông qua hệ thống người đại diện, SCIC đã tiến hành thực hiện tái cấu trúc vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thông qua việc bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ; đầu tư thêm vào doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả... để tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, đảm bảo cân đối nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và định hướng phát triển nền kinh tế. Để thực hiện việc thoái vốn và cơ cấu lại danh mục đầu tư, SCIC đã tiến hành phân loại danh mục để có những giải pháp phù hợp cho từng nhóm doanh nghiệp (phân doanh nghiệp theo nhóm A,B,C...). Trên cơ sở phân loại này, SCIC lập kế hoạch tiến hành thoái vốn. Việc thoái vốn được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp thông qua việc định giá, tổ chức tư vấn bán vốn theo nguyên tắc thị trường: cân nhắc doanh nghiệp bán và thời điểm bán để đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh việc bán vốn, SCIC cũng thực hiện việc đầu tư vốn vào các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm theo định hướng của Chính phủ như điện, dầu khí, cảng biển... Phương thức đầu tư gồm cả đầu tư trực tiếp, liên kết đầu tư, đầu tư gián tiếp với tư cách nhà đầu tư tài chính...
Có được việc quản lý, đầu tư kinh doanh vốn, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp và phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế mà SCIC đã thực hiện trong hơn 14 năm qua, đó là nhờ có sự đổi mới trong định hướng hoạt động, đổi mới trong phương thức thức lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo các thời kỳ: tất cả được triển khai thực hiện một cách linh hoạt, quyết liệt và tránh nhiệm đối với một mô hình hoàn toàn mới như SCIC. Cụ thể đó là:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhà nước và Quy chế làm việc trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ SCIC đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Khối trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Đảng bộ Tổng công ty đã xây dựng và ban hành các chương trình công tác suốt nhiệm kỳ, hàng năm, các nghị quyết chuyên đề, các nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ công tác năm, các chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện nghị quyết trong toàn Đảng bộ. Bên cạnh đó, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chỉ đạo của Đảng ủy Khối, Ban Thường vụ và Đảng ủy SCIC đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhiệm vụ chính trị trọng tâm để triển khai thực hiện trong toàn đảng bộ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội.
Tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ đã từng bước có sự đổi mới về phong cách, lề lối, tác phong làm việc, sâu sát thực tế, sát với các đơn vị, nói đi đôi với làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Giữ vững chế độ tập thể lãnh đạo, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi chủ trương, nhiệm vụ đều được dân chủ thảo luận và quyết định theo đa số. Sau các kỳ họp, đối với những nội dung quan trọng, Đảng ủy đều ban hành nghị quyết lãnh đạo hoặc thông báo kết luận cuộc họp đến các chi bộ trực thuộc để biết, thực hiện nội dung có liên quan.
Ban Chấp hành Đảng bộ đã ban hành Quy chế làm việc và thực hiện phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí ủy viên Ban Chấp hành phụ trách các tổ chức đảng trực thuộc và các lĩnh vực công tác. Theo đó, đã quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của tập thể và cá nhân các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.
Để nâng cao hiệu qủa hoạt động của SCIC trong công tác quản lý vốn tại doanh nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ thường xuyên củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ; thực hiện đúng Quy chế làm việc của cấp ủy và nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt cấp ủy; phát huy trí tuệ của tập thể các cấp việc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Vai trò người đứng đầu cấp ủy đã thể hiện đầy đủ trách nhiệm, đứng mũi chịu sào, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng; chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt và cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng trên sơ cở nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, chính quyền, đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.
Thường xuyên quan tâm và coi trọng công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; ưu tiên sử dụng và phát triển những cán bộ thực sự có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết, trách nhiệm với công việc để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao. Kiên quyết có biện pháp xử lý những cán bộ, đảng viên yếu kém về năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công việc thấp.
Chú trọng quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cấp ủy và đội ngũ tham mưu giúp việc chuyên trách công tác Đảng đảm bảo chất lượng và số lượng, toàn tâm, toàn ý, trách nhiệm cao với công việc tham mưu giúp việc Ban thường vụ, lãnh đạo Tổng công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra. Thực hiện mối quan hệ phối hợp giữa Ban Chấp hành Đảng bộ với Hội đồng thành viên và Ban lãnh đạo SCIC theo đúng Quy chế về mối quan hệ công tác đã được ban hành.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và công tác dân vận, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong SCIC, trong mỗi tổ chức, đơn vị để thực hiện Nghị quyết. Chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, chỉ ra những hạn chế, bất cập để khắc phục, phát hiện những mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả để phổ biến, nhân rộng.
Đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát quyền lực bằng các quy định, quy chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình trong SCIC, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, thẩm quyền được giao, phù hợp với đặc điểm, tình hình của tổ chức, đơn vị, của SCIC trong từng giai đoạn phát triển.
Xây dựng kế hoạch định mức chi tiêu thường xuyên, chống lãng phí, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học - cộng nghệ trong lãnh đạo quản lý, điều hành góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế và nâng cao năng xuất lao động, hiệu quả quản lý điều hành.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng cao năng lực cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng tới hoạt động đầu tư, quản trị doanh nghiệp tạo nguồn nhân sự có chất lượng cao để đảm nhiệm các vị trí quan trọng tại các doanh nghiệp có vốn của SCIC; tiếp tục bồi dưỡng cán bộ chủ chốt các cấp (đảng, chính quyền, đoàn thể), cán bộ trong quy hoạch về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức an ninh quốc phòng…
Tăng cường cử cán bộ SCIC tham gia kiêm nhiệm/biệt phái đến làm việc tại doanh nghiệp - đặc biệt tại các doanh nghiệp thuộc diện giữ lại hoặc giám sát đặc biệt. Tiếp tục ủng hộ và đề cử những Người đại diện có đủ sức khỏe, kinh nghiệm, năng lực công tác để giữ các chức vụ trong bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp. Đối với Người đại diện là cán bộ hành chính nhà nước: thay thế dần hoặc không tiếp tục ủy quyền để phù hợp với quy định của pháp luật. Giám sát chặt chẽ tính tuân thủ của Người đại diện đối với các chỉ đạo của SCIC.
Chủ động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết; biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả và xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định, mục tiêu đề ra và những trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy để tham nhũng, tiêu cực.
Chủ động có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với các phần tử xấu lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ để xuyên tạc chống phá, chia rẽ nội bộ hoặc những trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức bộ máy để tham nhũng, tiêu cực...
Hằng năm, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết; lấy kết quả thực hiện Nghị quyết là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại hằng năm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm.
Tóm lại: Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của SCIC nói riêng và doanh nghiệp nhà nước nói chung trong bối cảnh chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng như hiện nay là vấn đề rất lớn, phức tạp, đòi hỏi có một sự linh hoạt, quyết đoán và trách nhiệm. Để tiếp tục giữ vững ổn định và tạo đà phát triển, trong thời gian tới, những nội dung căn bản sau cần tiếp tục được nghiên cứu và triển khai thực hiện:
Một là: Giữ vững và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với SCIC nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước nói chung, là yêu cầu tất yếu khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là: Cơ cấu lại tổ chức theo hướng tinh gọn, đổi mới phương thức hoạt động sát với thực tiễn. Đánh giá, bố trí nhân sự phù hợp với từng vị trí công việc. Cùng với đó là việc chỉ đạo sát sao công tác tuyển dụng để tìm được cán bộ có trình độ, đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng còn thiếu cho cán bộ, đồng thời thực hiện công tác luân chuyền nhằm một mặt phát hiện bồi dưỡng cán bộ, mặt khác tạo cơ chế phòng ngừa những rủi ro xung đột lợi ích có thể phát sinh khi 1 cán bộ ở cùng 1 vị trí quá lâu. Ngoài việc bố trí sắp xếp cán bộ, công tác kiểm tra giám sát cần được chủ động thực hiện thường xuyên và có những chỉ đạo linh hoạt phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp và thị trường.
Ba là: Để quản lý hiệu qủa phần vốn vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trước hết phải nâng cao năng lực của cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý, tất cả mọi chế độ chính sách luôn hướng vào hoạt động SXKD của doanh nghiệp, những rào cản, những tồn tại vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp cần phải được xóa bỏ.
Bốn là: lấy thước đo bảo toàn và phát triển vốn làm nguyên tắc và kim chỉ nam trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đánh giá, quản lý.
Lê Đình Bửu Trí
Chi bộ chi nhánh phía Nam, SCIC