.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ IV - năm 2019:

Làm tốt công tác người đại diện, góp phần quan trọng phát huy hiệu quả đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Chủ Nhật, 20/10/2019|14:16

Để quản lý hiệu quả một khối lượng vốn lớn (số vốn nhà nước theo giá trị sổ sách hơn đến 30/6/2019 là 28.947 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ là 99.501 tỷ đồng) tại 144 doanh nghiệp hiện nay, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phải cần tới một hệ thống người đại diện vốn tại doanh nghiệp. Hệ thống đặc biệt này hiện là 259 người đại diện, trong đó có 180 người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (69,5%).

Nhiều năm nay, công tác người đại diện luôn được hoàn thiện để giúp cho cổ đông Nhà nước mà đại diện là SCIC, thực sự trở thành cổ đông năng động của doanh nghiệp, từ đó góp phần thực hiện việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp ngày một hiệu quả hơn.

Tuy nhiên hiện nay một loạt khuôn khổ pháp lý mới được ban hành liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn nhà nước, đã khiến đại diện vốn nhà nước trở thành một nghề khó hơn, bên cạnh đó còn là những thách thức mới đến từ môi trường kinh doanh đang thay đổi và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đòi hỏi công tác người đại diện phải được tối ưu hóa, chuyên nghiệp hóa hơn nữa dựa trên một khung khổ pháp lý hoàn thiện, đáp ứng linh hoạt với những phản ứng nhanh nhạy của thị trường, đòi hỏi phải lựa chọn được người đại diện là những người có năng lực thực sự, bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu sâu sắc doanh nghiệp, thị trường, làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả. Chỉ khi đó đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ được bảo toàn mà mới có cơ hội được nảy nở, sinh sôi.

Người đại diện vốn nhà nước, theo cách nhìn của ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, đóng nhiều vai. Họ vừa là đại diện thực hiện các quyền, nghĩa vụ cổ đông/thành viên/chủ sở hữu là Nhà nước, vừa là cổ đông của DN, lại vừa là người quản lý DN. Người đại diện vốn nhà nước thường được cử vào những chức vụ lãnh đạo công ty như chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng... Với tư cách đại diện vốn nhà nước, họ chịu sự chỉ đạo của cổ đông nhà nước, là cơ quan ủy quyền đại diện cho họ. Với tư cách là người lãnh đạo DN, họ phải tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.

Làm tròn nhiều vai, theo chia sẻ của không ít lãnh đạo doanh nghiệp quả thực rất khó khăn. Phó tổng giám đốc một Tổng công ty lớn thuộc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cho biết, doanh nghiệp mà ông đại diện vốn nhà nước đang ở tình trạng rất phức tạp. Nhà nước sở hữu 51% vốn, nhóm cổ đông bên ngoài nắm giữ gần 40%. 2-3 năm trở lại đây, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, có quy mô lợi nhuận hơn 100 tỷ đồng, cổ tức 70-80%/năm; đến năm 2018, cổ đông nhà nước muốn sử dụng một phần lợi nhuận để lại để tái đầu tư song nhóm cổ đông bên ngoài chỉ muốn chia cổ tức thật cao, cổ đông nhà nước muốn đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nhà máy, nhưng nhóm cổ đông bên ngoài không đồng thuận. Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 đã phải dừng ngay từ những phút đầu vì cổ đông biểu quyết không thông qua bất cứ nội dung nào… Chỉ cần ứng phó với những tình huống trên, người đại diện vốn nhà nước như ông đã “hết hơi”, chưa nói đến các hoạt động quản trị doanh nghiệp khác.

Người đại diện vốn nhà nước của một tổng công ty thuộc ngành xây dựng lại than khó vì việc đầu tư dự án đòi hỏi nhiều quyết định linh hoạt, phản ứng nhanh theo diễn biến thị trường và môi trường cạnh tranh quyết liệt, dự án khu đô thị của doanh nghiệp đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng lại càng cần có những vấn đề cần quyết định dứt khoát. Tuy nhiên, để có được ý kiến của cơ quan chủ sở hữu vốn cần phải có thời gian và tuân thủ theo đúng các quy trình, quy định. Vậy là, đành để các cơ hội trôi qua, dự án cứ dậm chân tại chỗ.

Người đại diện vốn nhà nước hiện đang phải tuân thủ nhiều quy định. Theo nhận xét của ông Hiếu, hệ thống khuôn khổ pháp lý, quy chế, quy định liên quan đến quản lý và sử dụng vốn nhà nước, liên quan đến hoạt động của người đại diện vốn nhà nước, đã ngày càng được hoàn thiện. Cụ thể, hai văn bản mới nhất là Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2019 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và Nghị định số 10/2019/NĐ-CP ngày 30/1/2019 về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước, đã quy định rất chặt trách nhiệm của  người đại diện vốn.

Chẳng hạn, một loạt vấn đề người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu vốn như tăng giảm vốn, sửa đổi bổ sung điều lệ, chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, báo cáo tài chính, chia cổ tức…

Đặc biệt, Nghị định số 10/2019/NĐ-CP có thêm một mục yêu cầu người đại diện vốn tại DN do nhà nước nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu “các vấn đề khác do cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành và không trái với quy định tại Điều 48 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật có liên quan”.

Các vấn đề khác có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau dẫn đến các quy định khác nhau khiến cho không gian của người đại diện trong nhiều trường hợp rất chật hẹp, mà theo như nhận xét của không ít người đại diện là có thể vấn đề gì cũng phải báo cáo. Đáng nói hơn là các nghị định cũng chỉ quy định chung chung là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn có ý kiến kịp thời bằng văn bản đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm của người đại diện phải báo cáo, xin ý kiến. “Kịp thời” ở đây được hiểu là như thế nào, tính bằng tuần, tháng hay năm?, nhiều người đại diện đặt câu hỏi.

Ông Phan Đức Hiếu đã rất thẳng thắn khi nói rằng nghề đại diện vốn nhà nước là nghề khó. Những tình huống khó xử với người đại diện vốn như đã đề cập ở trên, thực tế cũng rất khó xử với cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước, mà nguyên nhân nằm ở bản chất mô hình doanh nghiệp. Kinh doanh đòi hỏi rủi ro nhưng kinh tế nhà nước lại khó chấp nhận rủi ro, vì thế trong doanh nghiệp có sở hữu nhà nước, những cơ hội mới, dự án mới phải được xem xét rất kỹ, theo đúng các trình tự đã được quy định và người ta thường có xu hướng không muốn quyết định rủi ro. Một yếu tố khác tác động đáng kể đến những quyết định của chủ sở hữu vốn nhà nước là tính ngắn hạn, tính nhiệm kỳ do đặc thù liên quan đến những quy định về thời gian công tác, nhân sự… Bởi vậy, quan hệ của chủ sở hữu vốn và người đại diện, dù khuôn khổ pháp lý có quy định chặt chẽ hay cụ thể đến đâu, cũng sẽ rất khó “tốt đẹp” nếu không có sự hợp tác, phối hợp tốt giữa hai bên.

“Các quy định pháp lý đặt ra những nguyên tắc chung nhưng vận dụng lại đòi hỏi thực tế phù hợp. Sự phối hợp tốt, trong phần lớn các trường hợp, phụ thuộc vào tinh thần trách nhiệm, ý thức thực thi vai trò người đại diện vốn nhà nước với trách nhiệm cao nhất, đặt lợi ích doanh nghiệp, lợi ích nhà nước cao nhất”, ông Phan Đức Hiếu nhận xét.

Nhưng chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của bản thân người đại diện vốn nhà nước là chưa đủ. Bối cảnh nhiều ngành kinh doanh đang có sự thay đổi và chịu áp lực cạnh tranh dữ dội. Dược phẩm là ví dụ, các doanh nghiệp đang bám đuổi nhau quyết liệt về thị phần. Theo công bố của Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam năm 2018 tiếp tục duy trì 2 con số, ước dưới 15%, với doanh số toàn thị trường tiệm cận mức 10 tỷ USD. Mức chi tiêu cho dược phẩm tính trên đầu người Việt Nam mới đạt 30 - 40 USD, so với mức 96 USD của các nước đang phát triển và 186 USD của thế giới. Tuy nhiên, tỷ trọng lớn nguồn thu trên rơi vào dược phẩm nhập khẩu và các nhà cung cấp nguyên liệu, doanh nghiệp dược trong nước đang chia nhau miếng bánh rất nhỏ.

Năm 2018, phần lớn top 10 doanh nghiệp dược đang niêm yết trên TTCK đều tăng trưởng âm. Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu ngành khi được hỏi về kết quả kinh doanh năm đã chia sẻ “việc doanh nghiệp đạt 95% kế hoạch doanh thu mà đại hội đồng cổ đông đặt ra là sự nỗ lực lớn, toàn doanh nghiệp đã căng hết sức”.

Bởi thế, mục tiêu doanh số và lợi nhuận 2019, buộc phải tăng trưởng theo yêu cầu của đại hội đồng cổ đông sẽ là áp lực lớn với doanh nghiệp, với những người đại diện vốn nhà nước đang đảm nhận chức vụ quản lý doanh nghiệp. Họ mong có sự đồng hành của các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước.

Hiệu quả đồng vốn Nhà nước chịu ảnh hưởng khá lớn bởi người đại diện. Quan điểm của ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC “người đại diện vốn nên trở thành một nghề chuyên nghiệp” bởi trong gần 15 năm hoạt động của SCIC cho thấy vai trò của người đại diện vốn Nhà nước tại DN được xác định như một cánh tay nối dài của SCIC giúp cho việc thực hiện vai trò đại diện vốn Nhà nước, giúp cho việc đầu tư vốn Nhà  nước đạt hiệu quả cao nhất.

Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC cho biết: “SCIC nhận thức rất rõ về những khó khăn trên. Do đó, với vai trò cơ quan quản lý vốn nhà nước, hành xử trên tâm thế một cổ đông của doanh nghiệp, SCIC đã liên tục học hỏi, kiện toàn, ban hành và cập nhật thêm các công cụ, phương thức làm việc để đồng hành với người đại diện, đồng hành với doanh nghiệp nhằm đem lại hiệu quả tối ưu nhất cho doanh nghiệp, cho Nhà nước”.

SCIC đang tích cực đẩy mạnh việc áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý người đại diện, đặc biệt trong việc kết nối, cập nhật thông tin thường xuyên giữa SCIC và người đại diện nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa người đại diện và SCIC. Sắp tới, Tổng công ty sẽ đưa phân hệ kết nối thông tin doanh nghiệp thông qua người đại diện thuộc dự án phần mềm quản trị nhân sự và kết nối thông tin thông qua người đại diện vào áp dụng trên thực tế.

Để nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho người đại diện là lãnh đạo của DN, SCIC phối hợp các DN kiện toàn đội ngũ lãnh đạo thông qua việc sắp xếp lại, bổ sung mới và cử biệt phái cán bộ SCIC nếu cần thiết; đồng thời, tăng cường triển khai các khoá tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để cập nhật thông tin tới lãnh đạo DN và đào tạo các cán bộ trong quy hoạch để xây dựng đội ngũ kế cận.

Tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt. Bởi vậy, trong nhiều doanh nghiệp, sẽ có sự đa dạng về cơ cấu cổ đông bao gồm cổ đông nhà nước, cổ đông nước ngoài, cổ đông cá nhân… Công tác đại diện vốn nhà nước do đó sẽ đòi hỏi ngày càng chuyên nghiệp hơn, góp phần tối ưu hóa hiệu quả doanh nghiệp, phát huy hiệu quả đồng vốn nhà nước.

Trần Hoàng Ly - Lê Kim Chi

Chi bộ Ban Đối Ngoại - Truyền Thông, SCIC

.
.
.
.