Bài dự thi giải Búa liềm vàng lần thứ V - năm 2020:
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 - Kinh nghiệm từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Bài 1)
Ngành Điện là ngành kết cấu hạ tầng quan trọng nhưng dễ bị tác động bởi thiên tai tới hệ thống lưới điện và vận hành các hồ chứa thủy điện. Chính đặc thù đó mà ngành Điện luôn là ngành chịu sự tác động to lớn mỗi khi thiên tai xảy ra ở nước ta. Nhận diện thách thức đó, hàng năm, Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều yêu cầu Tập đoàn và các đơn vị xây dựng kịch bản, tình huống để chủ động ứng phó với thiên tai. Chính nhờ chủ động đó đã giúp EVN giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất và khôi phục hệ thống điện trở lại nhanh nhất sau thiên tai.
Bài 1: Chủ động ứng phó
Xác định rõ việc chủ động phòng chống sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra nên ngay từ đầu năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị xây dựng phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) với phương châm “4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Công ty Truyền tải điện 2 diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tháng 5/2020. |
Nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về Phòng chống thiên tai
Nhận diện rõ những thách thức thiên tai gây ra đối với nước ta, ngay từ đầu năm Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 42/CT-TW ngày 24/3/2020, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp trọng tâm đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong đó, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ban Bí thư yêu cầu rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cao khả năng chống chịu thiên tai của hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó chú trọng đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, hồ đập thủy điện.
Ngay sau khi có Chỉ thị của Ban Bí thư, ngày 31/3/2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 1995/CT-EVN về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2020. Theo đó, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định công tác an toàn trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam về công tác PCTT&TKCN đã được ban hành. Kiện toàn Ban Chỉ huy và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp. Thực hiện các chỉ tiêu về công tác PCTT&TKCN đã được EVN giao cho các đơn vị trong kế hoạch năm 2020 và cụ thể hóa trong chấm điểm hiệu quả hàng năm.
Đảm bảo hồ đập thủy điện an toàn, hiệu quả
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Tập đoàn yêu cầu công ty thủy điện chú trọng kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết của đập, thiết bị vận hành đập trước mùa mưa lũ hàng năm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chủ đập, hồ chứa nước có liên quan thực hiện vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; đặc biệt là khi vận hành xả lũ. Từ đó, rà soát cập nhật quy chế phối hợp với địa phương, với các đơn vị liên quan; chủ động phổ biến phương án phòng chống thiên tai với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, chủ động đề xuất, tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT&TKCN, các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương trong công tác điều hành xả lũ hồ chứa theo quy trình liên hồ, đơn hồ.
Công ty Thủy điện Sơn La luôn đảm bảo Công trình NMTĐ Sơn La vận hành an toàn, ổn định. |
Mặt khác, các công ty thủy điện cần lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; chuẩn bị kịch bản xả lũ theo thiết kế của hồ chứa để bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du; chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, tính toán xả lũ phục vụ vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.
Ông Khương Thế Anh – Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La cho biết: Công ty quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Sơn La (công suất 2.400MW) và NMTĐ Lai Châu (công suất 1.200MW) đều là công trình quan trọng liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Chính vì vậy, công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão (theo quy định từ ngày 15/6 hằng năm) đã được công ty chuẩn bị kỹ lưỡng.
Trong đó Công ty đã kết thúc toàn bộ công tác sửa chữa, bảo dưỡng những hạng mục liên quan trực tiếp đến phòng chống bão lũ như các tổ máy, đập tràn xả lũ, hệ thống điện tự dùng, thiết bị thông tin liên lạc, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng thiết yếu từ đầu tháng 6.
Công ty cũng đã tổng hợp kết quả quan trắc, tình trạng đập và hồ chứa để báo cáo các cơ quan chức năng. Hoàn thiện các phương án bảo đảm an toàn đập, an toàn hạ du trong mùa mưa bão và Quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác PCTT&TKCN.
Công ty đã thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN, thành lập Đội xung kích PCTT&TKCN với số lượng thành viên là 359 thành viên. Trong đó, ban hành kế hoạch triển khai công tác PCTT&TKCN và phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng thành viên..
Các phòng/phân xưởng thực hiện tổng kiểm tra hiện trạng các vị trí được giao quản lý trước mùa mưa bão năm 2020. Lập báo cáo kết quả đánh giá an toàn, ổn định đập và hồ chứa thủy điện Sơn La, Lai Châu gửi Hội đồng tư vấn Khoa học và Công nghệ về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà. Lập báo cáo hiện trạng an toàn đập Sơn La, Lai Châu gửi Sở Công Thương tỉnh Sơn La, Lai Châu theo đúng quy định.
Ngoài ra, Công ty Thủy điện Sơn La đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo hạ du đập thủy điện Sơn La, Lai Châu. Cụ thể, hệ thống cảnh báo hạ du đập Sơn La lắp đặt 16 biển cảnh báo, 14 hệ thống loa cảnh báo tự động phát tín hiệu đặt tại các xã ven sông như Tạ Bú, Chiềng San, Mường Chùm, Chiềng Hoa của huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Hạ du đập thủy điện Lai Châu lắp đặt 5 biển cảnh báo, 5 hệ thống loa cảnh bảo tự động phát tín hiệu đặt tại các xã Nậm Hàng, Lê Lợi, thị trấn Nậm Nhùn thuộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, phường Sông Đà thuộc thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên.
Trong quá trình xả lũ, hệ thống sẽ tự động phát ra cảnh báo đến bà con nhân dân địa phương ven sông nắm bắt được thông tin mực nước, lưu lượng thay đổi.
Đặc biệt, Công ty Thủy điện Sơn La đã có quy chế phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Sơn La, Lai Châu hàng năm. Bên cạnh đó, để khai thác hiệu quả nguồn nước cũng như phối hợp nhịp nhàng giữa các thủy điện trên bậc thang sông Đà, công ty cũng có quy chế phối hợp với Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty Thủy điện Huội Quảng - Bản Chát trong công tác vận hành điều tiết chống lũ trên lưu vực sông Đà hàng năm.
Củng cố vững chắc lưới điện
Đối với các Tổng công ty Điện lực, các đơn vị cũng kiểm tra, củng cố và khắc phục kịp thời những tồn tại của thiết bị, móng và cột điện, đường dây, trạm điện (đặc biệt là tại các địa bàn xung yếu, các cột điện ở triền dốc, bờ sông...), bảo đảm vận hành an toàn lưới điện trong mùa mưa lũ; tổ chức diễn tập các tình huống trong phòng, chống thiên tai, lưu ý tình huống bị ngập lụt, úng, địa bàn bị chia cắt và các tình huống xử lý đối với các trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị thành viên lập đội xung kích, sẵn sàng huy động tham gia khắc phục hậu quả sau thiên tai khi Ban Chỉ huy các cấp có yêu cầu, bao gồm danh sách các thành viên, phương tiện, dụng cụ.
Các Tổng công ty Điện lực đánh giá lại nguy cơ ngập úng của các trạm biến áp 110kV, 220kV, xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể, chi tiết đối với từng trạm. Khi có bão đổ bộ, các tổng công ty điện lực cần tổ chức tái lập ca trực đối với các trạm biến áp không người trực; tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện, không để mất điện kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai.
Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cũng tăng cường các giải pháp nhằm vận hành an toàn các đường dây 220kV, 500kV, đặc biệt là đường dây 500kV Bắc - Nam; chỉ đạo giải quyết các vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về an toàn điện trong mùa mưa lũ cho nhân dân; rà soát vật tư dự phòng, lập phương án vận chuyển dự phòng. Tổ chức diễn tập các tình huống trong phòng, chống thiên tai, lưu ý tình huống bị ngập lụt, úng, địa bàn bị chia cắt và các tình huống đối với trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực.
Ông Lưu Việt Tiến – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết: Phương án ứng phó với thiên tai đã được EVNNPT và các đơn vị triển khai ngay từ đầu năm. Hàng năm, các đơn vị lập phương án PCTT & TKCN bao gồm: Xử lý các khiếm khuyết thiết bị trên đường dây, trạm biến áp (TBA); chuẩn bị vật tư phương tiện, lực lượng; xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai, phương án đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống.
Trong đó, đơn vị cũng tính đến cả những tình huống cực đoan như thiên tai gây sự cố gãy đổ cột điện 220 và 500kV của hệ thống 500kV Bắc - Nam. Các công ty truyền tải điện phải chuẩn bị vật tư, cột dự phòng có kết cấu tương tự, chuẩn bị nhân lực sẵn sàng ngay để khắc phục nếu xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, phối hợp với Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, các điều độ miền để nhanh chóng có phương thức truyền tải cung cấp điện, giảm thiểu ảnh hưởng nhất,... Khi có bão đổ bộ, tổ chức tái lập ca trực đối với các trạm biến áp không người trực; kiểm tra, khắc phục kịp thời các khiếm khuyết trên lưới điện thuộc phạm vi quản lý trước mùa mưa lũ hàng năm; tập trung mọi nguồn lực để khắc phục kịp thời sự cố lưới điện, không để sự cố kéo dài tại khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai.
Bùi Xuân Tiến (Trung tâm Thông tin Điện lực – Tập đoàn Điện lực Việt Nam)
--------
Bài 2: Huy động tổng lực các lực lượng “chi viện” cho vùng bị sự cố