.
.

Bài dự thi giải Búa liềm vàng Khối Doanh nghiệp Trung ương năm 2021

Sự lãnh đạo của Đảng đối với ứng dụng thành tựu cách mạng công nghệ 4.0 tại VNPT IT

Thứ Bảy, 06/11/2021|23:12

Trong lịch sử loài người đến nay con người đã và đang trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN): Cách mạng 1.0 (CMCN lần thứ nhất, năm 1784): là cuộc cách mạng về cơ khí hóa với máy chạy bằng động cơ thủy lực và hơi nước. Cách mạng 2.0 (CMCN lần thứ hai, từ năm 1871 - 1914) : là cuộc cách mạng động cơ điện và sản xuất hàng loạt. Cách mạng 3.0 (CMCN lần thứ ba, từ năm 1969): là cuộc cách mạng  nhờ máy tính và tự động hóa. Và đặc biệt cuộc Cách mạng 4.0 (CMCN lần thứ 4) từ năm 2000 đến nay : cuộc cách mạng đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ, vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS).

Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư này đang làm thay đổi cách thức sản xuất, chế tạo. Các “nhà máy thông minh”, các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất, các hệ thống có khả năng đưa ra quyết định sẽ thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây.

Nhờ khả năng kết nối của hàng tỷ người trên trên thế giới thông qua các thiết bị di động và khả năng tiếp cận được với  cơ sở dữ liệu lớn, những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ người máy, Internet kết nối vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và tính toán lượng tử.

Hiện nay trên thế giới đặc biệt trong những năm gần đây cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã xuất hiện trên rất nhiều từ các diễn đàn, các cuộc hội thảo, các nghiên cứu, các hội nghị và đặc biệt là trong chỉ đạo đường lối chính sách và cả các chính sách hỗ trợ từ cấp chính phủ xuống tới các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn. 

Cuộc cách mạng 4.0 hay hay còn gọi là cuộc cách mạng lần thứ tư đã có sự lan tỏa rất mãnh liệt sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn ra một cách nhanh chóng chưa từng có trong lịch sử từ năm 2011, đặc trưng là điều khiển hệ và Robot; các hệ thống liên kết thế giới thực và thế giới ảo.

Các yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data); Khái niệm “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” đã xuất hiện trong những năm gần đây và có sự lan tỏa ngày càng sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống. Đây là xu hướng tất yếu của xã hội hiện đại, cuộc CMCN lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần thứ ba với đặc trưng là sự hợp nhất các loại công nghệ, làm xóa nhòa ranh giới giữa lĩnh vực vật lí, kĩ thuật số và sinh học với trung tâm là phát triển trí tuệ nhân tạo, robot hóa, Internet vạn vật, công nghệ di động không dây liên ngành sâu rộng cho tự động hóa sản xuất chế tạo.

Từ cách giải thích như vậy, có thể thấy được cốt lõi của cuộc cách mạng này nằm ở các vấn đề sau: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).

Đây thực sự là một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử công nghiệp trên thế giới, tạo ra những thời cơ và thách thức rất lớn đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. CMCN 4.0 đã thực sự là thách thức và là cơ hội rất lớn VNPT Group nói chung và cho Cty VNPT IT nói riêng.

Vào năm 2016, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 46 tổ chức ở Thụy Sĩ thì "Cách mạng công nghiệp 4.0" đã trở thành nội dung chính, chủ đề chính của 40 nguyên thủ quốc gia và hơn 2.500 quan khách từ hơn 100 nước trên thế giới đã dành một sự quan tâm nghiêm túc cho khái niệm này.

Theo các tổ chức thế giới nghiên cứu theo ước tính, đến năm 2030, 90% dân số thế giới sử dụng điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo sẽ thay con người thực hiện kiểm toán trong các công ty, doanh nghiệp, ô tô không người lái sẽ chiếm 10% thị phần ô tô ở Mỹ,... Đây là một cuộc cách mạng không có tiền lệ, đem lại nhiều lợi ích nhưng cũng chứa đựng đầy rủi ro, thách thức.

Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp thay đổi cơ cấu hệ thống sản xuất; tăng năng suất và hiệu quả lao động; giảm chi phí, tăng lợi nhuận; cải thiện môi trường làm việc, tăng cường sức khỏe người lao động và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang theo không ít hậu quả, một vài trong số chúng có ảnh hưởng rất rộng lớn và khôn lường, nó phá vỡ cấu trúc thị trường lao động, khiến hàng triệu người mất việc; nguy cơ bảo mật cá nhân; nguy cơ bị hacker can thiệp vào hệ thống sản xuất, điều hành và gây bất ổn chính trị. Tuy nhiên, thế giới chắc chắn sẽ trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong một tương lai không xa.

Đó là tình hình trên thế giới, còn còn tại Việt Nam chúng ta theo đánh giá hiện nay Viêt Nam đang ở trong cả 2 cuộc cách mạng thứ hai, thứ ba. Việt Nam đang quyết tâm chuyển sang cuộc CMCN 4.0. Và đây sẽ là sẽ là cơ hội lớn để phát triển kinh tế - xã hội về mọi mặt vì chỉ có thực hiện cuộc CMCN 4.0 thì đất nước Viêt Nam mới phát triển nhanh chóng sánh ngang với các cường quốc năm châu như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các con, các cháu là công dân nước Việt Nam cần đạt được trong thời đểm hiện nay.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. Bộ Chính trị đã có nhận định rất cụ thể và khẳng định đây là cuộc cách mạng 4.0 mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức kể cả trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và thực thi ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do trình độ phát triển của nước ta thực tế vẫn còn có khoảng cách khá xa so với các quốc gia công nghệ hàng đầu, tiềm lực công nghệ và tiềm lực tài chính cho đầu tư đổi mới, phát triển công nghệ còn hạn chế; thể chế, chính sách còn nhiều bất cập; cơ sở hạ tầng và cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu kịp yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của con người và xã hội trong thời kỳ mới.

Nghị quyết Bộ Chính trị cũng đã thể hiện rõ quan điểm và sự quyết tâm của Đảng khi coi chủ động tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời nhận thức đầy đủ đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc CMCN 4.0 để có quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp, là cơ hội để Việt Nam bứt phát trong phát triển kinh tế xã hội. Do đó, để đạt được các mục tiêu đề ra, Bộ Chính trị nhấn mạnh chủ trương phải đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước nhằm ngăn chặn tiêu cực và ứng phó kịp thời với các hành vi vi phạm tinh vi phát sinh mới trong giai đoạn bùng nổ CMCN 4.0 hiện nay. 

Trong guồng quay đó, các hoạt động khoa học công nghệ nói chung và nghiên cứu khoa học - triển khai công nghệ viễn thông, công nghệ thông tin nói riêng, một mặt, cần thực hiện các bước chuyển mình quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu - triển khai, mặt khác, còn cần tập trung phát triển các công nghệ thông tin được coi là “xương sống” trong cuộc cách mạng 4.0, trong đó không thể bỏ qua các lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).

Nhìn lại một chặng đường phát triển rất dài của lãnh vực Viễn thông trong Bưu chính Viễn thông Việt Nam trước đây và sau này là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT chúng ta sẽ thấy sự chỉ đạo rất sát sao và thấy được tầm nhìn của của Đảng bộ VNPT hiện nay.

Sau 1975, Bưu điện được xem là ngành nghèo và lạc hậu nhất. Thế nhưng, với tầm nhìn và tư duy đổi mới của Đảng bộ Bưu điện hành động mạnh mẽ cùng hành động quyết liệt, Bưu điện đã "lột xác" trở thành ngành hiện đại ngang tầm thế giới, đóng vai trò là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước.

Những năm đầu thập kỷ 1980, Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và toàn diện, một phần do hậu quả của chiến tranh tàn khốc, một phần là hệ quả của nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp. Ngành Bưu điện Việt Nam cũng như các ngành kinh tế - xã hội khác, bước ra khỏi cuộc chiến tranh mang trên mình đầy thương tích. Công nghệ lạc hậu, đời sống khó khăn, nhiều người chuyển ngành. Lúc đó, mạng lưới đang sử dụng công nghệ analog. Sau khi cân nhắc kỹ, Đảng và lãnh đạo đã quyết định đi thẳng vào công nghệ số (Digital).

Ngày 15-11-2010 là kỷ niệm 20 năm tổng đài số đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động, hệ thống chuyển mạch điện tử số E-10B. Bước đi ban đầu đó là dấu mốc của cả một chặng đường phát triển không ngừng của cuộc cách mạng số trong ngành viễn thông Việt Nam nói chung và của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nói riêng…

Sự kiện này đã đánh dấu bước chuyển mạnh của thời kỳ số hóa mạng lưới viễn thông, mở ra một trang sử mới cho ngành viễn thông Việt Nam. Việc đưa tổng đài số E-10B vào vận hành đã tạo tiền đề cho việc số hoá mạng lưới viễn thông Việt Nam diễn ra vào cuối năm 1993. Đây cũng là bước khởi đầu quan trọng để VNPT phát triển mạnh mẽ, khẳng định mình trong hai giai đoạn tăng tốc quan trọng, được Đảng và Nhà nước công nhận là doanh nghiệp đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hóa đất nước. Và chỉ ít lâu sau đó, từ một tổng đài E-10B đầu tiên được Bưu điện Hà Nội khi đó (nay là Viễn thông Hà Nội) đi đầu lắp đặt, vận hành, Bưu điện TP.Hồ Chí Minh là đơn vị thứ hai lắp đặt đài E-10B vào ngày 30-12-1991. Bưu điện TP. Hồ Chí Minh cũng chính thức đấu chuyển toàn bộ mạng điện thoại analog sang kỹ thuật số E-10B.

Đến cuối năm 1995, kết thúc giai đoạn tăng tốc lần thứ I của ngành Bưu điện, mạng Viễn thông Việt Nam đã có 53/53 tỉnh thành thực hiện tự động hóa. Hàng loạt tỉnh thành cũng đã lắp đặt và đưa vào sử dụng tổng đài này.

Có thể nói, E-10B đã cải thiện hệ thống thông tin nội hạt và tạo khả năng tự động hoàn toàn đối với hệ thống liên tỉnh và quốc tế, tạo cơ sở kỹ thuật để Việt Nam có tên trong danh bạ điện thoại thế giới. E-10B đi vào hoạt động, đồng thời với việc nâng cấp mạng lưới, chất lượng liên lạc điện thoại được tăng lên, nhiều dịch vụ gia tăng trên tổng đài điện tử ra đời, các dịch vụ viễn thông dần được triển khai và đưa vào sử dụng như nhắn tin, điện thoại di động, Internet, truyền số liệu…

Tập trung phát triển công nghệ mới - đầu tư cho tương lai

Sau 20 năm tổng đài E10B ra đời, ngành Viễn thông Việt Nam cũng như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã có những đổi thay, mở rộng hơn rất nhiều lần với nhiều dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin hiện đại. Hàng loạt các công nghệ mới tiếp nối nhau được triển khai nhằm đem lại những dịch vụ lợi ích cho người dùng. Đặc biệt, Tập đoàn VNPT đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển cho việc ứng dụng công nghệ mới. Sau công nghệ số, giờ, có thể kể tên hàng loạt các công nghệ mới được đưa vào ứng dụng hiệu quả như với di động, sau GSM là công nghệ tiền 3G, rồi 3G - công nghệ băng rộng di động, 4G và hiện nay là 5G.

Vốn là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực viễn thông, VNPT luôn xác định đầu tư cho phát triển các công nghệ mới chính là đầu tư cho tương lai. Năm 2009 đánh dấu sự ra đời của một loạt các dịch vụ công nghệ 3G, 4G của các doanh nghiệp di động hàng đầu Việt Nam, trong đó riêng VNPT đã có hai thành viên là mạng di động VinaPhone và MobiFone. Gần đây nhất, VNPT lại là doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai xây dựng và cung cấp dịch vụ công nghệ 5G ngay khi nhận được giấy phép thử nghiệm ít lâu. Cùng với đó, VNPT còn xây dựng hệ thống điều khiển toàn bộ mạng trên IMS hiện đại nhất (tích hợp các dịch vụ mới, tích hợp cố định và băng rộng) để tăng cường khả năng cung cấp và nâng cao chất lượng các dịch vụ mà VNPT cung cấp cho khách hàng…

Năm 2017 là năm đánh dấu thành công của VNPT, là năm thứ 4 liên tiếp có lợi nhuận tăng trưởng trên 20%. Thương hiệu VNPT nằm ở vị trí thứ 3 trong Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2017 theo công bố của hãng Brand Finance. Năm 2017 là năm thứ 3 liên tiếp VNPT dẫn đầu thị trường Internet cáp quang FTTH, chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của VNPT với thị phần chiếm gần 50%.

Cũng trong những năm qua, VNPT đã đạt được những thành công ấn tượng về vai trò dẫn dắt trong quá trình triển khai chính phủ điện tử trên phạm vi toàn quốc. VNPT đã trở thành đối tác chiến lược về viễn thông - CNTT với 52/63 tỉnh/TP. Giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh tại 17 tỉnh/TP. VNPT cũng đã chủ động đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng mạng lưới, phủ sóng với số lượng trạm BTS lớn nhất từ trước đến nay, năm vừa qua đã triển khai thêm 20.000 trạm thu phát sóng di động 2G, 3G và 4G, nâng tổng số trạm trên toàn mạng lên 75.000 trạm trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tổng băng thông Internet quốc tế tăng thêm hơn 83% so với năm 2016, tổng năng lực caching lưu trữ dữ liệu tăng 2,1 lần.

Tuy nhiên cũng từ năm 2014, Đảng ủy VNPT đã nhìn thấy được ưu và khuyết điểm của con đường phát triển cho VNPT. Theo đánh giá và tầm nhìn của Đảng ủy VNPT đã phân tích thấy rằng việc phát triển hạ tầng dựa trên mạng cáp quang, băng rộng, dựa trên sóng di động, dựa trên sóng băng rộng như 3G, 4G sẽ không thể bền vững. Nguyên nhân là do sự phát triển của các nhà cung cấp như Viettel, SPT, FPT, CMC... cũng dựa trên sự phát triển hạ tầng, cáp quang, băng rộng là rất lớn, do đó sẽ có hiện tượng giành giật thị trường rất khốc liệt và hạ giá dịch vụ tối đa đến không thể có lợi nhuận cho VNPT.

Với lý do đó, VNPT đã quyết định cần phải ra đời các Công ty thuộc VNPT Group làm nhiệm vụ cung cấp nội dung cung cấp cấp dịch vụ số để VNPT có thể phát triển bền vững, giữ chân khách hàng, giữ chân thị trường, giữ vững tăng trưởng và lợi nhuận cho VNPT.

Được chính thức thành lập từ tháng 4-2018, VNPT- IT là đơn vị hạch toán phụ thuộc, trực thuộc Tập đoàn VNPT, có nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển tích hợp các giải pháp ICT phục vụ khách hàng trong và ngoài VNPT và hướng ra thị trường quốc tế.

Như vậy, VNPT- IT sẽ trở thành trụ cột sản xuất mới của VNPT về phần mềm và các ứng dụng CNTT. Đây là trụ cột thứ 5 của VNPT bên các cạnh trụ cột về Hạ tầng (VNPT-Net), Kinh doanh (VNPT-Vinaphone), Truyền thông (VNPT-Media), Công nghệ công nghiệp (VNPT-Technology). Và Công ty công nghệ thông tin VNPT - IT là đơn vị mũi nhọn của VNPT trong việc nghiên cứu, phát triển các giải pháp phần mềm, đã dành nhiều giải thưởng quốc gia uy tín trong lĩnh vực công nghệ thông tin như: giải thưởng Sao khuê, giải thưởng Nhân Tài Đất Việt… Công ty công nghệ thông tin VNPT đang cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho nhiều tổ chức, bộ ngành, doanh nghiệp của quốc gia như: Cổng thông tin chính phủ; Website Đảng cộng sản Việt nam; Cổng dữ liệu Bộ Y tế; Bộ thông tin truyền thông..

Công ty công nghệ thông tin VNPT tập trung chính vào các nhóm sản phẩm, dịch vụ phần mềm phục vụ: Nền tảng chính phủ điện tử. Các bộ, ban, ngành: y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường. Doanh nghiệp và cộng đồng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Ủy VNPT - IT yêu cầu trong giai đoạn VNPT nói riêng và thế giới nói chung đang chuyển dịch số mãnh mẽ, VNPT- IT mang trên vai trọng trách phải trở thành “đòn bẩy” để VNPT có thể bứt phá vượt bậc trong giai đoạn 2017 - 2025, chuyển từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang dịch vụ viễn thông, CNTT và dịch vụ số. Mục tiêu đó chính là đưa VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và trở thành Trung tâm số (Digital Hub) tại thị trường khu vực và thế giới.

Với mục tiêu chuyển dịch số và chiến lược VNPT 4.0, hiện nay tập đoàn giao nhiệm vụ chiến lược cho VNPT - IT chuyển dịch số của Tập đoàn và đẩy mạnh phát triển CNTT. Đây là thách thức rất lớn cho dù trong 4 năm qua, mảng CNTT của chúng ta đã làm được nhiều việc và giúp VNPT có được sự hiện diện trên thị trường CNTT Việt Nam. Để có thể thực hiện được sứ mệnh này, VNPT - IT sẽ phải xây dựng một nền tảng phát triển hiện đại, chuyên nghiệp. VNPT-IT cần tập trung để đảm bảo quy tụ sức mạnh về lực lượng CNTT không chỉ của VNPT - IT mà cả lực lượng CNTT tại 63 tỉnh, thành phố”, Tổng Giám đốc VNPT-IT, nhận định.

Trong thời gian tới, VNPT- IT sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ mới với mục tiêu trở thành công ty CNTT hàng đầu Việt Nam, tạo sức mạnh cho VNPT bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số và đem lại giá trị thiết thực cho khách hàng.

Về mảng giáo dục, sản phẩm chủ lực của VNPT- IT là VnEdu - mạng giáo dục số 1 tại Việt Nam về thị phần và đã được triển khai khắp 63 tỉnh thành phố với khoảng 12.800 trường học trên cả nước sử dụng hệ thống quản lý thông tin nhà trường, 4-5 triệu hồ sơ học sinh, hơn 650.000 giáo viên và 2.000 website của các trường học. Phiên bản VnEdu 2.0 mới nhất kết hợp hệ sinh thái đầy đủ để cung cấp cả nền tảng Elearning (đào tạo trực tuyến) và tăng cường hơn nữa kết nối giữa phụ huynh, giáo viên và học sinh.

Ở mảng chính phủ điện tử, sản phẩm eGov đã được triển khai chính thức cho 49/63 tỉnh, thành phố theo đúng khung quy chuẩn. Hệ thống một cửa liên thông iGate của VNPT đã được triển khai trên 25/63 tỉnh thành phố. Hệ thống điều hành văn bản iOffice được triển khai tại 45 tỉnh thành phố với kết nối liên thông 4 cấp bao gồm đầy đủ các module tới khoảng 10.000 đơn vị các cấp. Riêng với mô hình Thành phố thông minh, mô hình Smartcity của VNPT đã được nhiều tỉnh/thành phố lựa chọn thử nghiệm và triển khai như Phú Quốc (đã triển khai thành công giai đoạn 1), Cần Thơ… Còn trong lĩnh vực y tế, sản phẩm VNPT HIS đã được triển khai cả 4 cấp từ Trung ương đến các tỉnh, huyện, xã. VNPT đã triển khai phần mềm quản lý y tế cho 7.210 cơ sở y tế trên cả nước, số hóa công tác khám chữa bệnh.

Mới đây, 3 dịch vụ, giải pháp của VNPT- IT đã vinh dự nhận Danh hiệu Sao Khuê  là Giải pháp truyền thông qua màn hình hiển thị VNPT SmartAds; Dịch vụ lưu trữ chia sẻ đồng bộ dữ liệu trực truyến VNPT Drive; Dịch vụ máy chủ ảo trên nền điện toán đám mây SmartCloud. Trong đó, giải pháp SmartAds đã xuất sắc lọt vào Top 10 Sao Khuê. Đây là giải thưởng danh giá dành cho các sản phẩm - dịch vụ xuất sắc, uy tín hàng đầu của ngành công nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.

Tóm lại dưới sự lãnh đạo của Đảng Ủy VNPT IT, Đảng Ủy VNPT Group  trong thời gian tới, VNPT- IT sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ mới với mục tiêu trở thành công ty CNTT hàng đầu Việt Nam, tạo sức mạnh cho VNPT bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số và đem lại giá trị thiết thực cho khách hàng.

Nguyễn Hữu Văn Chung, Chi bộ phòng Tổng hợp - Hạ tầng

.
.
.
.